[Thi viết nghề môi giới BĐS] Môi giới thời công nghệ
Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào nghề, một trong những nội dung mà tôi và đồng nghiệp được đào tạo là những bài hội thoại mẫu khi nói chuyện với khách hàng.
LTS: Đó là mở đầu bài viết của bạn Bùi Hải Quảng Tại Đồng Nai trong "Cuộc thi viết Nghề môi giới bất động sản". Quý độc giả có thể gửi bài viết của mình về địa chỉ email: batdongsan@cafef.vn
**********************
Một buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời, đang ngồi café một mình thì tôi nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại bàn có các số đuôi rất đẹp "888", một giọng nữ được thu âm sẵn vang lên "Xin chào bạn". Vốn quen với những câu chào hỏi chuyên nghiệp trong tiếp thị bán hàng rồi nên khi nghe một câu không cảm xúc như vậy tôi chẳng có hứng thú trả lời, cứ để điện thoại mở, bất ngờ là không có thêm bất cứ lời nào nữa.
Một cuộc hội thoại một chiều ngắn ngủi! Sau này tôi mới biết đó là cuộc gọi được lập trình tự động để tiếp thị, tùy theo nội dung trả lời của người nghe mà phía tổng đài sẽ đưa ra những lời tư vấn tương ứng. Thế nên gặp một người không muốn nói chuyện như tôi thì cuộc điện thoại tiếp thị này bị thất bại ngay từ câu đầu tiên.
Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào nghề, một trong những nội dung mà tôi và đồng nghiệp được đào tạo là những bài hội thoại mẫu khi nói chuyện với khách hàng. Sau đào tạo, nhiều đồng nghiệp của tôi rất tự tin, nhiệt tình lặp đi lặp lại những bài hội thoại đã học đó mỗi khi gặp khách hàng.
Còn tôi, không hiểu sao tôi cứ cảm thấy nó giả tạo, gặp khách hàng chẳng nói ra được, nên tôi đã quên những bài hội thoại mẫu nhanh chóng. Tất nhiên tôi đã bị hoang mang cả tháng khi không biết phải làm thế nào cho đúng.
Bước ngoặt thay đổi tư duy của tôi hoàn toàn là khi tôi chốt được hợp đồng đầu tiên, nó cho tôi thấy rõ được rằng khách hàng quyết định tin tưởng hợp tác là vì tôi chân thành chia sẻ khách quan cả những thông tin phù hợp với những thông tin không phù hợp để khách hàng lựa chọn, là vì tôi nhiệt tình, bất cứ khi nào khách hàng điện là tôi nghe máy, cần gặp là tôi có mặt… tất cả chẳng liên quan gì đến những "bài hội thoại mẫu". Từ đó trở đi tôi kiên định với triết lý: Cứ chân thành mang những điều tốt đẹp nhất đến cho khách hàng, hợp đồng tự nhiên sẽ đến.
Nhiều lần bạn bè và nhân viên của tôi hỏi rằng: thời buổi công nghệ sao anh làm kiểu truyền thống mà vẫn ký được hợp đồng nhỉ!? Những lúc như vậy tôi lại chân thành chia sẻ rằng:
Nên lối tư duy giúp tôi thành công là vẫn cứ chân thành mang những điều tốt đẹp nhất đến cho khách hàng, công nghệ sẽ chỉ đóng vai trò giúp chúng ta thực hiện điều đó hiệu quả hơn:
Quản lý thông tin khách hàng:
Rất nhiều phần mềm xuất hiện thay thế các bảng excel, nhưng điều quan trọng là thông tin nhập vào lấy từ đâu, kiểm chứng, cập nhật thông tin theo thời gian như thế nào. Khách hàng là những người có thu nhập cao, có vị trí cao trong xã hội, nếu không chân thành trong những lần gặp gỡ thì khó có thể được họ chia sẻ những thông tin quan trọng. Khi thông tin về khách hàng không đủ quan trọng, không chính xác thì có dùng phần mềm hiện đại đến đâu cũng không cho ra được quyết định đúng.
Thư điện tử - Email:
Khách hàng không ai giống ai nên sẽ là thảm họa nếu dùng một nội dung gửi đến hàng trăm người với hi vọng tiết kiệm thời gian, hi vọng trong tích tắc kết nối được rất nhiều người. Nếu không chân thành nghĩ về khách hàng, dành thời gian tìm kiếm những thông tin có ích, những câu từ phù hợp và chỉnh sửa cho email chỉnh chu… thì nếu may mắn khách hàng mở email của chúng ta một lần, sẽ không có lần thứ hai.
Và quan trọng hơn là sau khi gửi đi một email, nếu không chân thành gọi điện "A lô! Anh/Chị ơi, em vừa có thông tin quan trọng/thông tin rất hay…gửi mail cho Anh/Chị. Anh/Chị kiểm tra nhé!", thì những cố gắng của chúng ta chắc chắn sẽ chìm nghỉm trong ma trận thông tin thời công nghệ.
Điện thoại thông minh:
Thật tuyệt vời khi điện thoại của chúng ta có thể tích hợp rất nhiều công dụng, ứng dụng, nên hãy nghĩ cách sử dụng triệt để nó, đừng chỉ để làm vật trang trí hay để tôn vinh vẻ bề ngoài. Hãy dùng để nhắc nhớ những ngày quan trọng của khách hàng. Hãy chụp ngay những hình ảnh có ích cho cuộc sống và công việc của khách hàng rồi gửi cho họ càng nhanh càng tốt. Hãy xử lý bất cứ việc gì ở bất cứ nơi đâu khi khách hàng yêu cầu…vì chúng ta đã có điện thoại thông minh.
Mạng xã hội:
Khi mà mà mạng xã hội bị dán mác là "nơi sống ảo" thì những gì chúng ta đăng về bản thân sẽ không hi vọng là khách hàng sẽ tin hoàn toàn. Nhưng những điều tốt đẹp của khách hàng thì là thật. Nên hãy dành thời gian để có mặt ở những sự kiện quan trọng của khách hàng, đừng quên ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa, toàn tâm toàn ý tạo những bộ ảnh, cắt ghép những clip chỉn chu, rồi chia sẻ với khách hàng vào những thời điểm phù hợp.
Google:
Biết rằng cần "mang những điều tốt đẹp nhất đến cho khách hàng", nhưng khách hàng đâu có ai giống ai, mỗi người làm mỗi lĩnh vực, mỗi người một trình độ, văn hóa, tính cách khác nhau…, làm sao biết được điều tốt đẹp nào phù hợp với ai. May mắn cho chúng ta khi có một công cụ tìm kiếm giúp chúng ta tiếp cận kho kiến thức vô tận như Google. Hãy dành thời gian nghĩ về những từ khóa liên quan đến khách hàng của chúng ta, đừng lãng phí thời gia cho những từ khóa chỉ để thỏa mãn thú vui cá nhân…
Các bạn thấy đấy, công nghệ thật tuyệt vời, cho chúng ta rất nhiều công cụ để làm việc. Nhưng khách hàng của chúng ta ở thời nào thì cũng cần một người môi giới - bán hàng bằng xương bằng thịt để "chọn mặt gửi vàng". Nên đừng quên những nền tảng truyền thống cơ bản rồi hãy tận dụng công nghệ theo cách để hiện diện trước khách hàng càng nhiều càng tốt, có ích và chân thành.
Theo Trí thức trẻ