Các lưu ý khi mua nhà chung tường
Trong các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…, việc các nhà được xây liên kế, chung tường là rất phổ biến
Ảnh internet
Không chỉ tại các khu dân cư hình thành từ lâu, những dự án nhà phố hiện nay cũng rất phổ biến cách xây này. Tuy nhiên, người dân sinh sống trong những ngôi nhà chung tường như vậy đôi khi gặp phải những rắc rối, đặc biệt là với những ngôi nhà đã cũ.
Một trong những rủi ro dễ thấy là có thể xảy ra tranh chấp với hàng xóm trong việc sử dụng, sửa chữa tường chung hoặc khi một trong hai bên muốn xây nhà mới.
Đối với một bức tường chung thì khi chủ hộ phá tường này sẽ làm ảnh hưởng đến phần móng của cả hai ngôi nhà.
Ngoài ra, hai nhà có tường chung sẽ làm hạn chế các quyền sử dụng bất động sản (BĐS) như được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng. Nếu muốn thực hiện các công việc này, bắt buộc phải có sự đồng ý của đôi bên.
Bên cạnh đó, khi làm các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất như đăng ký biến động, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có thể gặp một số khó khăn nhất định.
Chính vì thế, để hạn chế những rủi ro có thể gặp phải trên, người mua nên thỏa thuận bằng văn bản đối với chủ sở hữu BĐS liền kề.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, thông thường tường chung hay riêng sẽ được thể hiện cụ thể trên bản vẽ sơ đồ nhà, đất do văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra và xác nhận nội hạt. Do đó, khi mua nhà có tường chung, người mua nên kiểm tra kỹ các số liệu thể hiện trên bản vẽ sơ đồ nhà, đất để tránh tranh chấp với nhà liền kề.
Ngoài ra, việc sử dụng BĐS liên quan đến tường chung cần có sự thỏa thuận bằng văn bản đối với chủ sở hữu BĐS liền kề. Khi cần sửa chữa tường chung, cần tính toán cụ thể việc ảnh hưởng đến nhà liền kề.
Một lưu ý khác khi quyết định mua nhà có chung tường, người mua nên tham khảo trước ý kiến của chủ sở hữu BĐS liền kề về việc sử dụng và sửa chữa khi cần thiết.
“Ngoài ra, phải kiểm tra mức độ ảnh hưởng của tường chung đối với ngôi nhà để đảm bảo nếu có sửa chữa thì có thể hạn chế tối đa mức độ rủi ro đối với kết cấu ngôi nhà” - luật sư Hậu cho biết thêm.
Theo Pháp luật