Dự án Luật đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận 2 lần trong năm 2022
Sau gần 10 năm thi hành, Luật đất đai 2013 đã giúp quản lý Nhà nước về đất đai chặt chẽ hơn ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai rộng rãi; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được rút gọn; bước đầu hình thành được thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, giúp huy động được nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, những mặt tích cực đó vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu thực tiễn đặt ra. Sau khi Luật đi vào thực hiện được thời gian ngắn đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Do vậy, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đặc biệt, vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh… chưa chặt chẽ. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, một nghịch lý trong quản lý đất đai của chúng ta hiện nay là có dự án đầu tư và phát triển, dù chúng ta có đền bù giá cao hơn so với trước khi có dự án thì người dân vẫn phát sinh khiếu kiện. Một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, những đại gia ở Việt Nam ra đời từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình bất động sản. Ở những vùng càng phát triển thì giá đất càng tăng, Chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền để đền bù, người dân càng phát sinh khiếu kiện.
Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, đa số địa phương cho rằng, còn nhiều vướng mắc liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, cơ chế tạo quỹ đất, quy hoạch sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng; quản lý đất nông nghiệp…, khó thực hiện bởi các quy định hiện hành, rất cần được xem xét bổ sung, sửa đổi càng sớm càng tốt.
Về việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, giá đất, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, danh mục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi quy định thời gian trong 3 năm thay vì hàng năm như trước đây; kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện cần tăng tính chủ động khi thực hiện, đảm bảo thủ tục hành chính.
Theo ông Bùi Duy Cường, việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu xem xét đối với dự án đầu tư mà thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng, không thuộc đối tượng thu hồi đất thì cho phép ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức việc thu hồi, trong 30 ngày mà không thỏa thuận được với các hộ dân thì cho phép huyện thực hiện thu hồi đất để tháo gỡ cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức tham vấn, lấy ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về chính sách đất đai, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy phát triển; giải quyết, giảm khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm hoàn thiện các công cụ quy hoạch và kinh tế, tài chính đất đai để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; giải quyết các chồng chéo, xung đột giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật có liên quan, giữ vững nguyên tắc pháp chế và tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trọng tâm sửa đổi Luật Đất đai lần này là tập trung sửa đổi các chính sách liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý thiết thực về những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và những giải pháp về chính sách để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5/2022 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10/2022./.
Theo VOV