Không còn được ghi nợ tiền sử dụng đất
TTO - Theo nghị định 79, từ ngày 10-12 (ngày nghị định có hiệu lực), chỉ những hộ gia đình, cá nhân khó khăn, gia đình chính sách, có công với cách mạng… khi mua nhà, đất tái định cư sau khi bị di dời mới được ghi nợ tiền sử dụng đất.
Từ ngày 10-12-2019, người dân chuyển mục đích sử dụng đất không còn được ghi nợ tiền sử dụng đất - Ảnh: TỰ TRUNG
Điều đó có nghĩa tất cả hộ dân không thuộc trường hợp trên đều không được ghi nợ tiền sử dụng đất như hiện hành. Cũng theo nghị định 79, số tiền sử dụng đất mà người mua nhà, đất tái định cư được ghi nợ là số tiền chênh lệch giữa số tiền phải nộp khi Nhà nước giao nhà, đất tái định cư trừ đi số tiền được bồi thường, hỗ trợ.
Cũng vậy, sau thời điểm trên, người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nhà... sẽ không được ghi nợ tiền sử dụng đất như hiện nay.
Người dân nghèo lo lắng
Bà Nguyễn Thị Bình ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) nhận được tin Nhà nước sẽ không cho ghi nợ tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất với tâm trạng buồn hiu. Gia đình bà Bình được cha mẹ chia cho 2.000m2 đất, nhưng bà đã bán hết 1.000m2 để trang trải chi phí cho cuộc sống. Diện tích đất còn lại bà định chia thành 5 phần cho các con xây nhà sau khi con lập gia đình. Với lương công nhân, buôn bán nhỏ như con bà Bình thì để dành đủ tiền xây được căn nhà cấp 4 cũng đã khó khăn, nói gì đến việc phải đóng tiền sử dụng đất.
Tương tự, ông Đinh Văn Hiền - người làm môi giới nhà, đất khu vực xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi - cho rằng nếu không được ghi nợ tiền sử dụng đất, nhiều gia đình sẽ không có khả năng. "Người dân có thói quen khi nào cần xây nhà mới đi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Cùng lúc vừa lo tiền xây nhà vừa lo tiền sử dụng đất đóng cho Nhà nước là một gánh nặng thực sự cho dân. Tôi e nhiều người vì chưa dành dụm được tiền sẽ lén xây nhà trên đất nông nghiệp" - ông Hiền phân tích.
Tuy nhiên, theo một số phòng tài nguyên và môi trường ở các quận vùng ven TP.HCM và các huyện ngoại thành, chính sách cho ghi nợ tiền sử dụng đất đang bị nhiều người lạm dụng. Bản chất của chính sách này chỉ áp dụng cho những hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ và khuyến khích người dân trả nợ sớm khi hỗ trợ 2%/năm số tiền trả nợ sớm.
Thế nhưng trong thực tế có nhiều người chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn nhằm phân lô bán nền nhưng cũng được ghi nợ tiền sử dụng đất. Sau một thời gian ngắn thì họ trả nợ để hưởng hỗ trợ gần 10% tiền sử dụng đất theo chính sách của Nhà nước.
"Đa số người chuyển mục đích sử dụng đất lớn là người mua đất nông nghiệp, chuyển mục đích để bán lại chứ không thuộc diện khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, tiêu chí khó khăn về tài chính không rõ ràng nên cơ quan chức năng không có cơ sở để từ chối đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất của người dân. Vì vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp này là sai đối tượng" - trưởng phòng tài nguyên và môi trường một huyện ngoại thành TP.HCM nhận định.
Phân lô tại các dự án đất tái định cư - Ảnh: TTO
Không nhiều người bị ảnh hưởng?
Một cán bộ Cục Thuế TP.HCM nhận định việc chấm dứt chính sách ghi nợ tiền sử dụng đất đại trà trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng không nhiều đến người sử dụng đất. Trước đây, Nhà nước khuyến khích người dân làm giấy chủ quyền nhà, đất nên mới có chính sách cho nợ tiền sử dụng đất với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế khó khăn là một tiêu chí định tính, không định lượng. Nay các cơ quan chức năng xác nhận lại điều kiện kinh tế khó khăn chỉ gói gọn trong các đối tượng gia đình nghèo, chính sách, gia đình trong khu kinh tế khó khăn mua nhà, đất tái định cư là việc cần thiết.
Thực tế tại TP.HCM cũng như các địa phương khác vẫn còn một số gia đình khó khăn thật sự cần chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà. Với những gia đình này, họ chỉ chuyển thành đất ở hoặc hợp thức hóa nhà với diện tích trong hạn mức đất ở của địa phương và được đóng tiền sử dụng đất theo giá Nhà nước ban hành không cao, thấp hơn nhiều so với tiền sử dụng đất ngoài hạn mức (có nhân với hệ số).
Vị cán bộ Cục Thuế TP nhận định: số hộ gia đình, cá nhân khó khăn có nhu cầu thực sự hiện còn rất ít. "Chính sách ghi nợ tiền sử dụng đất hiện đang bị lợi dụng. Gần đây, đa số trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng diện tích lớn, từ 1.000m2 trở lên. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất diện tích nhỏ để làm nhà ở rất ít.
Như vậy, vẫn để chính sách ghi nợ như hiện nay thì người dân thực sự khó khăn được hưởng rất ít, mà Nhà nước bị thất thoát, thiệt hại nhiều. Hơn nữa, hiện nay phần lớn nhà, đất của người dân đã có giấy chủ quyền nên chính sách này không còn phục vụ mục đích khuyến khích làm giấy chủ quyền nhà, đất nữa" - vị cán bộ Cục Thuế TP phân tích.
Người dân Đà Nẵng "nợ tiền đất tái định cư" được tháo gỡ
Những hộ dân bị giải tỏa, tái định cư ở Đà Nẵng vui mừng khi được tháo gỡ để sớm hoàn thành trả tiền nợ cho Nhà nước - Ảnh: HỮU KHÁ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng cho biết Chính phủ ban hành nghị định 79 là một bước tháo gỡ vụ "nợ tiền đất tái định cư" mà hiện hàng ngàn người dân Đà Nẵng đang rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến số phận, cuộc sống gia đình họ.
Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, cho biết thêm trước đây TP triển khai thu nợ tiền sử dụng đất là thực hiện theo quy định chung của trung ương. Với việc thu tiền sử dụng đất tái định cư theo giá trị hiện hành tại thời điểm trả nợ là quá cao, nên người dân không đủ tiền để nộp so với mức thu nhập và gia cảnh hiện tại của họ.
Để giúp người dân có điều kiện hoàn thành việc trả nợ cho Nhà nước, UBND TP Đà Nẵng đã nhiều năm có kiến nghị và đến nay Chính phủ ban hành nghị định 79 theo hướng phù hợp với điều kiện trả nợ của người dân. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng tính đến ngày 31-1-2019, tổng số hộ nợ tiền đất tái định cư là 6.958 hộ với số tiền 866,5 tỉ đồng.
Trả nợ sau 5 năm sẽ tính thêm tiền chậm nộp
Theo nghị định 79, những trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc diện khó khăn về kinh tế, gia đình chính sách… thuộc đối tượng ghi nợ tiền sử dụng đất được trả dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao nhà, đất tái định cư thì sẽ được trả nợ theo giá tại thời điểm ghi nợ.
Nếu trả nợ sau thời hạn 5 năm nêu trên thì người dân phải trả thêm tiền sử dụng đất chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo quy định về quản lý thuế. Điều này khác so với quy định hiện hành là người dân nợ tiền sử dụng đất quá 5 năm sẽ phải đóng tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Với trường hợp đã ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1-3-2016 sẽ được trả nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm ghi nợ đến hết ngày 28-2-2021. Từ ngày 1-3-2021 trở đi, người dân phải thanh toán nợ theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Với trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất sau ngày 1-3-2016 đến trước ngày 10-12-2019, người dân sẽ trả nợ theo giá đất tại thời điểm ghi nợ trong vòng 5 năm kể từ ngày ghi nợ. Trả nợ sau 5 năm thì phải tính giá đất vào thời điểm trả nợ. Từ ngày 10-12-2019 trở đi, người dân ghi nợ tiền sử dụng đất mà trả nợ trước thời hạn 5 năm thì không được giảm 2% số tiền sử dụng đất phải nộp như quy định hiện hành.
Theo Tuổi trẻ