Sơ sẩy trong hợp đồng, nguy cơ mất nhà 47 tỷ đồng

27/11/2018 - 04:47
|

Bán căn nhà duy nhất để chia cho con cháu, ông Nguyễn Văn Quyện cẩn trọng ghi trong hợp đồng “khi hoàn tất các thủ tục đăng bộ sang tên nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày công chứng hợp đồng, bên mua phải thanh toán toàn bộ số tiền cho bên bán. Sau khi thanh toán xong mới bàn giao nhà”. Hợp đồng đã công chứng, quận đã hoàn tất thủ tục sang tên, nhưng đến giờ ông không nhận được tiền, mà TAND quận Tân Bình vẫn tuyên ông phải giao nhà! 

Xóa thế chấp + sang tên: chỉ 1 ngày!

Cuối năm 2014 ông Quyện ký hợp đồng công chứng bán nhà cho ông Trần Vũ Trường (sinh năm 1977), giá bán 58 tỷ đồng. Do nhà đang thế chấp, nên ông Trường trả trước 10 tỷ đồng cho ông Quyện thanh toán ngân hàng để lấy sổ ra. Số tiền ông Trường còn nợ là 48 tỷ. Trong hợp đồng (có công chứng) ghi rõ, ông Trường tiến hành thủ tục sang tên và thanh toán trong vòng 45 ngày. Sở dĩ có thời hạn đó là căn cứ vào thời gian thực hiện xóa thế chấp, sang tên chủ sở hữu theo quy trình ISO của quận. Không ngờ, chỉ trong vòng 1 ngày, UBND quận Tân Bình đã “thần tốc” hoàn thành việc xóa thế chấp và sang tên cho bên mua.

Hợp đồng mua bán nhà được công chứng của ông Quyện

Hôm sau nhận được giấy chủ quyền, ông Trường bán lại nhà cho bà Hoàng Ngọc Điệp (sinh năm 1978) với giá bán chỉ 28 tỷ đồng. Còn ông Quyện vẫn ung dung, vì nghĩ thủ tục sang tên chưa xong, nhà thì ông vẫn đang ở. Đến khi phát hiện căn nhà bị bán lần nữa cho người khác, ông lập tức báo công an phục bắt khi phía bà Điệp đang nộp thuế trước bạ. Nhóm này cũng dùng hình thức mua bán, sang tên như vậy để chiếm đoạt một căn nhà ở quận 1, đang bị tòa xét xử.

Sau khi việc bán nhà cho bà Điệp bị ngăn chặn, ông Trường trả cho ông Quyện thêm 1 tỷ nữa (còn nợ 47 tỷ) và làm cam kết nếu sau 1 tháng không trả đủ tiền thì sẽ chịu mất 11 tỷ và tiến hành thủ tục sang tên nhà lại cho ông Quyện. Mặc dù trong hợp đồng bán nhà, ông Quyện ghi rất rõ là chỉ bàn giao nhà khi nhận đủ tiền, ấy vậy mà TAND quận Tân Bình vẫn tuyên buộc ông Quyện phải giao nhà, dù ông chưa nhận được tiền!

Ông Quyện chưng hửng, không hiểu vì sao mất nhà! Đây quả là một câu chuyện lạ trong thực tế.

Xác định không ai sai, tòa tuyên dân mất nhà!

Hợp đồng quy định rất rõ thời gian thanh toán, điều kiện bàn giao nhà sau khi đã thanh toán xong, đã được công chứng. Vậy mà, hợp đồng giữa ông Quyện và ông Trường chưa hoàn thành việc thanh toán, chưa bàn giao nhà (tức ông Trường chưa có quyền chiếm hữu tài sản), công chứng vẫn tiếp tục ký cho bên mua bán tiếp cho người khác.

Khó hiểu hơn, công chứng viên Hoàng Xuân Ngụ (thuộc Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân) chẳng những không cảnh báo cho người dân, mà văn phòng này còn giúp các bên soạn hợp đồng với nội dung cam kết “nếu các bên cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, không đúng sự thật, hoặc vi phạm nội dung cam kết, thì các bên đồng ý miễn trừ trách nhiệm cho tổ chức hành nghề công chứng”.

Ngoài ra còn quy định cả việc các bên phải liên đới bồi thường nếu tổ chức công chứng phải tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp! Có nghĩa là, người dân phải trả tiền công chứng rất cao (vì luật bắt buộc phải công chứng), trong khi phòng công chứng không chịu trách nhiệm gì; thậm chí nếu tòa có tuyên công chứng sai, phải bồi thường, thì dân cũng liên đới bồi thường thay!

Dựa vào đó, TAND quận Tân Bình đã tuyên tổ chức công chứng không có lỗi gì trong việc này.

Ông Quyền còn gửi đơn tố cáo vì sao quận xóa thế chấp, sang tên trong vòng 1 ngày, đã tiếp tay cho ông Trường bán nhà của ông, thì được ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND quận Tân Bình, trả lời: Luật quy định thời gian tối đa phải giải quyết, chứ không quy định thời gian tối thiểu, nên cán bộ làm sớm không sai luật. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là trong khi hàng ngàn hồ sơ đang xếp hàng theo ISO thì hồ sơ này đi ngang, không qua ISO (1 tuần sau khi sang tên xong, hồ sơ mới được đưa vào ISO). Điều đó có tiếp tay cho ông Trường khi chưa thực hiện xong hợp đồng cũ, chưa có đầy đủ quyền chiếm hữu nhà, lại có thể bán được nhà.

Cuối cùng, một hợp đồng chặt chẽ về thời gian thanh toán, điều kiện giao nhận (sau khi thanh toán xong) lại bị TAND quận Tân Bình tuyên giao nhà cho bên thứ 3 (là bà Điệp - người mua lại nhà từ ông Trường). Trong khi rõ ràng hợp đồng ông Trường bán cho bà Điệp là có vấn đề (mua 58 tỷ đồng, bán 28 tỷ đồng và nhóm này đã mua bán kiểu như vậy để chiếm đoạt nhiều căn nhà khác), có dấu hiệu giao dịch giả tạo nhằm chiếm đoạt tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thanh toán cho ông Quyện.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về những bất hợp lý khiến ông Quyện mất nhà. Cụ thể, tại sao một hợp đồng quy rõ quyền và trách nhiệm giữa bên mua - bên bán là ông Trường phải trả đủ tiền mới được nhận nhà, lại không được tòa án tôn trọng quyền tự do thỏa thuận đó, bắt ông Quyện giao nhà khi chưa nhận được tiền. Tại sao tòa lại bảo vệ cho bên thứ 3 (bà Điệp) khi hợp đồng này có dấu hiệu gian dối, đúng ra phải bị tuyên vô hiệu.

Hơn nữa, rõ ràng ông Trường lừa dối bên mua (bà Điệp), lừa dối bên bán (không trả tiền cho ông Quyện, chưa nhận nhà đã bán), có dấu hiệu lừa đảo, nhưng Công an TPHCM lại trả lời không có dấu hiệu hình sự? Tại sao luật buộc hợp đồng mua bán nhà đất phải qua công chứng, phải trả phí cao, nhưng phòng công chứng được tự “loại trừ trách nhiệm cho mình”, vậy dân tốn tiền để được gì?

Theo SGGP