Tâm sự của nữ môi giới bất động sản thời công nghệ 4.0
“Có thể nói môi giới bất động sản là một trong những công việc khắc nghiệt nhất của xã hội thời nay đặc biệt là với phụ nữ” - Đây là chia sẻ của chị Đặng Thu – một trong những nữ môi giới có thâm niên cả chục năm trong lĩnh vực bất động sản.
Nữ môi giới bất động sản muốn theo nghề phải thực sự đam mê (Ảnh minh hoạ)
Chị Thu cho biết, có cầu ắt có cung, nếu như trước đây mọi người hay gọi là “cò đất” thì nay nhiều người đã đồng ý coi đó là “nghề môi giới bất động sản” bởi làm môi giới bất động sản cũng cần có sự chuyên nghiệp.
“Họ không cần nghe hứa hẹn mà họ cần sự thực tế. Công việc đã dạy cho tôi cách sống, cách làm người. Sự va vấp đã mang lại những kinh nghiệm mà chẳng trường lớp nào dạy” - Chị Thu nói thêm.
Không chỉ là nghề “bán nói lấy ăn”
Nhắc đến bất động sản, mọi người thường quan niệm rằng đây là một lĩnh vực rất “ghê gớm”, chỉ quan tâm đến những giao dịch tiền tỷ. Còn những người làm nghề môi giới bất động sản, mỗi tháng chỉ cần môi giới được một căn nhà hoặc mảnh đất là có thể đút túi được vài chục đến vài trăm triệu đồng, đủ chi tiêu cả năm.
Kỳ thực, không đơn giản như vậy! Nếu không thật sự chăm chỉ và kiên trì thì sẽ không thể theo được.
Hằng ngày, người làm công việc tư vấn sẽ gặp gỡ biết bao người, thêm biết bao mối quan hệ mới nhưng có lẽ trong số cả nghìn người quen đó chỉ có 1 người xa lạ dám tin mình. Đó chỉ mới là chuyện tin, còn từ tin đến mua là cả chặng đường dài.
Theo chị Thu, mười cuộc gọi thì có đến quá nửa bị từ chối thẳng, vài cuộc từ chối khéo, may ra thì được 1-2 khách hàng đồng ý hẹn gặp. Đặc biệt, khách hàng ở lĩnh vực này phần lớn là những người thông thái nên kể từ cuộc điện thoại ban đầu cho đến khi khách hàng hẹn gặp trực tiếp luôn đòi hỏi người tư vấn có kỹ năng giao tiếp thật tốt và kiến thức chuyên môn nhất định mới có thể thành công.
“Với lĩnh vực bất động sản nói nhiều không phải là tốt, mà cần nói đúng, nói đủ và dừng đúng lúc. Khi tư vấn cho khách không phải là cứ nói những gì mình có mà phải hiểu xem khách hàng họ muốn gì. Chỉ cần nhìn khuôn mặt, nghe vài ba câu đầu là ngay lập tức trong đầu phải phân loại được khách hàng để có cách tư vấn và chọn cho họ loại sản phẩm thật phù hợp” - chị Thu nói thêm.
Liên tục phải “đầu tư”
Nghề môi giới bất động sản đòi hỏi người làm liên tục học hỏi. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người môi giới còn phải thật giỏi kỹ năng mềm và luôn tích hợp thêm các kiến thức liên quan như phong thủy, kiến trúc, nhân tướng… để sẵn sàng tư vấn khi khách thắc mắc.
Chưa hết, với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay thì người làm công việc môi giới bất động sản còn bắt buộc phải có kiến thức về CNTT, như kỹ năng bán hàng online trên website, cách tiếp cận khách hàng trên mạng xã hội, cách sử dụng công nghệ để thay thế công việc…
Theo chia sẻ của bạn Ly Kha – nhân viên tư vấn còn khá trẻ thì với những người có kinh nghiệm lâu năm đồng nghĩa có nhiều mối quan hệ cũng như khách hàng truyền thống, nhưng với những người mới vào nghề như em sẽ phải tự tìm kiếm khách hàng mới bằng việc đăng tải thông tin trên các trang web về bất động sản, các group liên quan trên các trang mạng xã hộị.
Do đó, hàng tháng nhân viên môi giới bất động sản thường phải chi một khoản không nhỏ cho việc học thêm các khóa đào tạo về kỹ năng bán hàng, chi phí đăng tin, tìm kiếm thông tin hiệu quả.
“May mắn em tốt nghiệp chuyên ngành CNTT nên bước đầu đã có những thuận lợi hơn hẳn so với đồng nghiệp của mình” - Kha nói thêm.
Góc khuất trong bức tranh sáng
Đến nay, sau hơn 10 năm gắn bó trong nghề môi giới bất động sản chị Thu đã làm chủ một văn phòng môi giới nho nhỏ với gần 20 nhân viên. Những khi có dịp, chị Thu vẫn thường chia sẻ với nhân viên rằng nghề nào cũng thế, kiếm được tiền không phải là chuyện đơn giản.
“Hồi mới vào nghề, lương cứng của tôi chỉ 2 – 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để trả tiền cà phê, xăng xe cho hàng chục cuộc gọi gặp khách mỗi tháng chứ đừng nói đến tiền sinh hoạt. Bạn phải đổ mồ hôi, nước mắt thì mới mong có được thành công” – chị Thu chia sẻ.
Với những phụ nữ đã có gia đình, để theo được nghề này thực sự là thử thách bởi đặc thù là làm việc không có giờ giấc, ngày người ta nghỉ là ngày làm của mình, khách gọi là phải chạy nên sẽ là áp lực khi có gia đình. Không có thời gian chăm sóc con cái, nhiều khi cả tuần gia đình không có bữa cơm chung. Mặc dù chồng chị thấu hiểu và thông cảm công việc của vợ nhưng cũng không tránh được những lúc mâu thuẫn, bằng mặt mà không bằng lòng.
Chị Thu chia sẻ, muốn theo nghề, phải thực sự đam mê, kiên trì và cần thêm yếu tố may mắn. Có khi cả mấy tháng không có giao dịch nào, nhưng có khi chỉ trong một ngày lại có đến vài hợp đồng.
Mặc dù có nhiều áp lực, khó khăn và không biết bao lần phải rơi nước mắt vì nghề nhưng cả chị Thu, Ly Kha cũng như các đồng nghiệp nữ của chị đều cho rằng chính môi trường khắc nghiệt như vậy đã giúp họ trưởng thành hơn rất nhiều.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp