Các loại móng nhà cấp 4, ưu nhược điểm các loại móng
Tôi thấy rằng vấn đề các loại móng nhà cấp 4 cũng rất cần thiết cho người xem. Mặc dù rằng tôi cũng đã có viết 1 bài viết nói về các loại móng nhà nhưng bài viết vẫn mang tính chung chung. Các bạn có thể xem tại: Các loại móng nhà, các loại móng nhà dân dụng
Tuy nhiên hôm nay mình muốn đi sâu hơn về các loại móng nhà cấp 4 để các bạn có thể tham khảo chi tiết nhất. Mặc dù bạn không có điều kiện thiết kế nhưng chúng ta cũng có thể vẫn tham khảo được chi tiết hơn về cho nhà mình nhé. Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo thôi nhé, tùy thuộc vào mỗi nhà chúng ta sẽ có các loại móng khác nhau để sử dụng cho phù hợp với nhu cầu của gia đình mình.
Vậy thì có bao nhiêu loại móng nhà cấp 4 được sử dụng. Các bạn có thể xem tôi phân loại gồm các loại như sau:
- Móng cốc nhà cấp 4 hay còn gọi là móng đơn (phổ biến nhất)
- Móng cọc nhà cấp 4
- Móng băng nhà cấp 4
- Móng bè nhà cấp 4
Chi tiết cấu tạo các loại móng nhà cấp 4
Hiện nay có 4 loại móng chính đang được sử dụng cho những căn nhà cấp 4, mỗi loại móng sẽ có ưu điểm riêng vì thế tùy vào tình hình thực tế, tùy vào nên đất các bạn đưa ra một giải pháp móng nhà cấp 4 phù hợp nhất với nhà mình. Nếu các bạn không có kinh nghiệm có thể tham khảo thêm các đơn vị tư vấn thiết kế để nhận được những sự tư vấn của các KTS. Thông thường móng được sử dụng chính cho móng nhà cấp 4 là móng đơn hay trong dân gian gọi là móng cốc và móng băng. Rất ít trường hợp sử dụng móng cọc và móng bè vì nếu sử dụng sẽ dẫn tới tình trạng tốn kém chi phí thi công. Nếu các bạn thừa điều kiện mà muốn đầu tư vào thì cũng không vấn đề gì cả.
Bản vẽ thiết kế móng cốc nhà cấp 4 (móng đơn nhà cấp 4)
Đây là loại móng nhà cấp 4 mà phổ biến nhất trên thị trường hiện nay bởi nguyên nhân chính là giá thành thi công rẻ, chi phí cho nhân công thấp, thi công nhanh cho nên được rất nhiều đơn vị sử dụng. Từ chủ đầu tư cho tới các nhà thầu thi công, sử dụng loại móng cốc nhà cấp 4 thì cả 2 bên cùng có lợi. Trường hợp dùng móng cốc nhà cấp 4 thường là nền đất cứng, đất lâu năm rắn chắc.
Đây là 4 hình ảnh quan trọng nhất trong phần móng cốc của móng nhà cấp 4: Là một trong các loại móng nhà của nhà cấp 4 đẹp phổ biến nhất. Chúng tôi đã cố gắng cung cấp cho các bạn những hình ảnh chất lượng nhất để các bạn có thể tham khảo chi tiết nhé. Các bạn download xuống và xem thì sẽ rõ hơn. Và bây giờ tôi sẽ phân tích cho các bạn cùng xem chi tiết nhất.
Các bạn có thể thấy gồm 4 bản vẽ và theo thứ tự từ trái sang phải và từ trên xuống dưới có thứ tự là 1,2,3,4
- Bản vẽ số 1: Mặt bằng kết cấu móng: Đây chính là mặt bằng định vị cho từng cốc, đài cọc của móng, vị trí với các khoảng cách giữa các đài cọc, thường là chỉ có khoảng cách tim. Vì thế khi giác móng chúng ta cũng cắm theo tim là dễ làm nhất nhé các bạn.
- Bản vẽ số 2 bên tay phải và ở trên: Mặt bằng bố trí dầm móng: Đây là mặt bằng định vị các dầm móng liên kết các đài móng với nhau để tạo nên một bộ khung cho móng. Các bạn sẽ đi vào chi tiết hơn trong bản vẽ số 3 và số 4
- Bản vẽ số 3 dưới bên tay trái: Đây là bản vẽ chi tiết của các đài móng: Trong bản vẽ chi tiết thể hiện khá rõ độ rộng của đài móng, độ sâu của đài và cách các bạn đan sắt, đan thép nhé. Ví dụ như đài móng MD1 có chiều sâu chôn móng nhà cấp 4 là 1.5 mét so với cốt 0.
- Bản vẽ số 4 bên phải dưới cùng: Thể hiện thêm chi tiết các đài móng và chi tiết của dầm móng, vị trí liên kết giữa đài móng và dầm móng, cao độ liên kết và cách bố trí sắt thép trong dầm.
Có một hiện tượng chung trong việc thi công dầm móng chính là thợ hay xây dầm móng từ độ sâu của móng xây lên tới vị trí quy định. Tình trạng này dẫn tới việc lãng phí nhân công xây dựng và lãng phí vật tư. Nguyên tắc của dầm móng là đỡ tường che chắn và truyền lực cho nên chúng ta không cần thiết phải xây nhiều gạch dưới dầm móng nhé. Lớp lót dầm chỉ có tác dụng là tạo mặt phẳng để các bạn đổ bê tông dầm mà thôi. Thông thường dầm sẽ được đẩy lên cốt 0 hoặc thấp hơn cốt 0 khoảng 20cm để tiết kiệm vật tư, nhân công và thuận tiện cho công tác thi công.
Tham khảo thêm: Thiết kế mẫu nhà cấp 4 70m2, nhà cấp 4 tại Nghệ An NDNC474
Bản vẽ thiết kế móng cọc nhà cấp 4
Nếu các bạn đã xem phần chi tiết móng cốc trong các loại móng nhà cấp 4 thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn trong phần móng cọc nhà cấp 4 này. Sự khác biệt giữa 2 loại móng này chính là phần ép cọc bê tông, các bạn cũng có thể ép cọc tre. Tùy thuộc vào nền đất chúng ta sử dụng ép cọc bê tông hay cọc tre nhé.
- Ép cọc bê tông dùng trong các trường hợp sau: Nền đất yếu như ao, hồ, sông, đất ruộng, đất vừa lập. Ép cọc bê tông chúng ta ép theo chỉ dẫn của thiết kế.
- Ép cọc tre dành cho trường hợp đất nền cứng, hơi mềm, đất lâu năm muốn gia cố thêm. Nếu ép cọc tre chúng ta thường ép cọc có mật độ là 25 cọc/1 m2
Bản vẽ này sẽ có thêm phần chi tiết cọc giống như trong phần móng cốc nhà cấp 4. Ngoài ra còn có thêm các bản vẽ như sau:
- Bản vẽ số 1: Mặt bằng định vị cọc ép: Đây là mặt bằng thể hiện khoảng cách giữa các cọc ép, số lượng cọc ép trên mỗi đài cọc.
- Bản vẽ số 2: Chi tiết kĩ thuật về cọc ép: Bản vẽ này thể hiện chi tiết cọc, loại sắt, bê tông, quy cách nối cọc, chi tiết thép hàn bản đầu cọc và các số liệu để bạn đối chiếu cho máy ép cọc.
- Bản vẽ số 3: Thể hiện đài cọc và dầm móng giống bản vẽ trong phần móng cốc
- Bản vẽ số 4: Chi tiết đài cọc và dầm cọc
Các bạn có thể so sánh 2 bản vẽ số 4 trong trường hợp móng cốc nhà cấp 4 và móng cọc nhà cấp 4 chúng ta mới thấy được sự chênh lệch và khác biệt cực lớn. Thế mới nói rằng móng cọc là một trong các loại móng đắt nhất trong quá trình làm nhà. Chưa kể phần chi phí ép cọc, phần đài cọc cũng to và tốn bê tông hơn rất nhiều, rồi đến phần dầm có khối lượng bê tông và khối lượng sắt cũng tăng lên gần gấp đôi so với móng cốc. Vì thế trong trường hợp các bạn làm móng nhà cấp 4 chúng ta không nhất thiết phải làm móng cọc trừ trường hợp bắt buộc phải làm nhé.
Tham khảo thêm: Mẫu nhà cấp bốn ở nông thôn 8x13m, mẫu nhà đẹp tại Thái Nguyên NDNC473
Bản vẽ móng băng nhà cấp 4
Móng băng thường được dùng trong các nhà cổ, nhà cấp 4 nông thôn truyền thống mà ngày xưa các cụ làm. Khác biệt chính là móng băng ngày xưa chỉ làm bằng gạch vì ngày đó vật liệu xây dựng không sẵn có như bây giờ. Có khi cả gia đình góp hàng mấy chục năm mới đủ xi măng và gạch để xây một cái nhà đấy các bạn. Bạn nào không trải qua thời bao cấp thì không hiểu được nỗi khổ của người dân Việt ngày xưa được. Còn bây giờ khi điều kiện tốt hơn chúng ta thường làm móng băng bằng bê tông vì độ bền của bê tông cao hơn, tuổi thọ tốt hơn, kết cấu vững chắc hơn nhưng chi phí lại cao hơn.
Trong bản vẽ móng băng nhà cấp 4 thì nếu nền đất mà yếu tí chúng ta có thể ép thêm cọc tre. Trong trường hợp đất nền nhà bạn là đất vườn lập lâu năm, đất thổ mềm…
Các bạn nhìn bản vẽ thì thấy nó khác so với móng cốc, móng cọc như phần trên nhé. Chúng tôi sẽ phân tích cho các bạn dễ hiểu hơn nhé.
- Bản vẽ số 1: Mặt bằng kết cấu móng: Trong bản vẽ này thể hiện từng đoạn móng có kết cấu, cấu tạo kích thước khác nhau và định vị từng đoạn một để các bạn biết vị trí của mỗi phần móng nhé. Sau đó chúng ta sẽ xem chi tiết hơn thì sẽ rõ hơn
- Bản vẽ số 2: Mặt bằng xây tường móng: Bản vẽ này thể hiện phần tường xây trên móng băng lên tới cốt 0 nhé các bạn và có thêm phần móng bằng gạch xây tường đỡ nhà vệ sinh, các tường không cần thiết.
- Bản vẽ số 3: Bản vẽ này thể hiện chi tiết hơn về kích thước, kiểu dáng, cách đan sắt thép, cao độ móng băng.
- Bản vẽ số 4: Thể hiện phần cọc liên kết với móng băng, quy cách cột, cách liên kết, khoảng cách, kích thước các đai dầm, kích thước của thép. Các móng gạch phụ liên kết vào móng băng được thể hiện trong bản vẽ số 3 ở trên.
Đối với các loại móng nhà cấp 4 chúng ta cũng ít dùng móng băng hơn nhé. Vì chi phí thi công móng băng thường sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc làm móng cốc. Nhưng nếu so sánh móng băng và móng cốc thì móng băng sẽ khỏe hơn nhé các bạn. Chúng tôi cũng chỉ phân tích ra các ưu nhược điểm của các loại móng để các bạn có thể hiểu và đưa ra quyết định cho gia đình mình thôi.
Bản vẽ thiết kế móng bè nhà cấp 4
Tại sao tôi lại để móng cốc và móng cọc liền nhau vì 2 loại móng có cùng đặc điểm cấu tạo, chỉ khác nhau một chút. Và móng băng với móng bè cũng thế có đặc điểm rất giống nhau. Điểm khác biệt của móng bè chính là các bạn sẽ đổ thêm một lớp bê tông giống bê tông sàn ở dưới móng. Chi tiết của móng thì cũng không khác gì so với móng băng nhưng có thêm lớp bê tông dày ở giữa các đài móng nữa nhé.
Bản vẽ trên thể hiện sự khác biệt giữa móng băng và móng bè còn về cơ bản cấu tạo giống nhau. Sự khác biệt chính là chi tiết của thép, kích thước của móng mà thôi. Chính vì thế móng bè sẽ rất tốn kém ít được sử dụng cho các loại nhà cấp 4.
Ứng dụng các loại móng nhà cấp 4 trong thực tế
Vậy thì tôi cũng xin được nêu ra một vài ứng dụng cho các loại móng thường được dùng trong xây nhà để các bạn có thể tham khảo nhé.
- Móng đơn: Thường dùng cho: Nhà cấp 4 gác lửng, nhà cấp 4 mái thái, mái ngói, mái bằng, nhà 2 tầng
- Móng cọc: Nhà cao tầng, nhiều tầng, nền đất yếu. Móng cọc có thể dùng cho tất cả các loại nhà nhưng chi phí thi công sẽ rất cao
- Móng băng: Thường dùng cho: Nhà phố 3 tầng trở lên, biệt thự 2 tầng trở lên
- Móng bè: Nhà nhiều tầng
Ưu điểm và nhược điểm của các loại móng nhà cấp 4
Mỗi loại móng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng vì thế chúng tôi xin so sánh 3 loại móng phổ biến nhất thường được dùng trong thiết kế nhà cấp 4 đẹp để các bạn tiện theo dõi nhất nhé. Các tiêu chí được nhà đẹp đưa ra cho các loại móng nhà cấp 4 có thể vẫn chưa đầy đủ nếu các bạn thấy thiếu có thể phản hồi để Nhà đẹp có thể bổ sung thêm các tiêu chí.
Móng đơn (móng cốc)
Nền đất sử dụng: Nền đất cứng, đất đồi núi
Giá thành: Rẻ nhất trong các loại móng
Thời gian thi công móng nhà cấp 4: Thi công nhanh, tốn ít thép
Khối lượng bê tông: Ít tốn kém, khoảng 1.2-1.4m3/1m2 xây dựng nhà
Mức độ đảm bảo: Mức độ vừa phải, phù hợp
Lượng thép: Tốn ít nhất trong các loại móng
Móng băng nhà cấp 4
Nền đất sử dụng: Nền đất mềm, đất cứng
Giá thành: Đắt gấp 1.5 lần so với móng cốc
Thời gian thi công móng nhà cấp 4: Lâu hơn móng cốc, tốn nhiều thép hơn
Khối lượng bê tông: Tốn nhiều bê tông hơn, khoảng 2-2.2m3/1m2 xây dựng
Mức độ đảm bảo: Đảm bảo yên tâm
Lượng thép: Tốn gần gấp đôi móng cốc
Móng cọc nhà cấp 4
Nền đất sử dụng: Đất yếu, đất vườn, đất ao
Giá thành: Tùy hiện trạng, thông thường đắt gấp 1.5-2 lần, có trường hợp đắt hơn do cọc nhiều, không tính trước được
Thời gian thi công móng nhà cấp 4: Thi công lâu, nhiều công đoạn và tốn nhiều thép
Khối lượng bê tông: Gấp đôi so với móng cốc
Mức độ đảm bảo: Quá chắc chắn không phải lo nghĩ
Lượng thép: Tốn hơn so với móng cốc một chút
Các lưu ý khi thi công móng nhà cấp 4 ở nông thôn
Hiện nay ở nông thôn việc thuê thiết kế nhà cấp 4 không còn hiếm gặp mà hầu hết mọi nhà đều tự thuê cho mình 1 bản vẽ thiết kế riêng để thi công nhà. Hoặc cũng có thể mua lại những bản vẽ đã có sẵn với giá rẻ để thi công nhà. Nếu có bản vẽ thì còn dễ làm nhưng nếu không có bản vẽ thì cần rất nhiều thứ cần phải lưu ý cho căn nhà của bạn. Dưới đây là những lưu ý khi thi công móng nhà cấp 4 mà các bạn cần chú ý:
- Mua hoặc thiết kế bản vẽ: Cố gắng trang bị cho gia đình 1 bộ hồ sơ thiết kế nhà cấp 4 để đảm bảo kết cấu nhà cấp 4, không bị rạn nứt tường và mái sau khi thi công xong.
- Thường xuyên bị nứt tường và mái: Đây là trường hợp mà tôi thấy thường xuyên nhất khi thợ thi công đều làm giàn trải tất cả đài móng nhà cấp 4 hay dải móng có cùng kích thước. Theo nguyên tắc nhà cấp 4 thì có chỗ chịu lực nhiều và chỗ chịu lực ít thế nên phần móng sẽ không đồng đều nhau, có chỗ sẽ phải to hơn, chỗ cần nhỏ hơn để đảm bảo sự dàn trải đồng đều trên tiết diện móng.
- Sắt cột phải vuông góc: Sắt cổ cột phải thẳng vuông góc 90 để đảm bảo truyền lực theo phương thẳng đứng
- Kiểm tra lại tim cốt chuẩn: Đây là trường hợp thường xuyên xảy ra trong quá trình thi công khi mà tim cốt xây dựng không chuẩn dẫn tới kết cấu không đảm bảo
- Đảm bảo phần bê tông: Phần sắt thép và bê tông là một phần rất quan trọng cho căn nhà vì thế Nhà đẹp thường xuyên giám sát 2 phần này cho bất kì căn nhà này. Nó chính là phần xương sống cho căn nhà cho nên bê tông phải đảm bảo đủ mác, không vượt quá mác 250# nếu không có chỉ định. Bê tông đảm bảo đủ độ sụt, đủ thời gian ninh kết bê tông.
- Tưới nước trước khi đổ bê tông: Đây là một phần rất quan trọng vì nó giúp cho bê tông không bị mất nước, đảm bảo đủ thời gian ninh kết và thủy phân bê tông móng nhà cấp 4
- Chú ý những phần hút nước: Ngày nay nhiều người thi công phần dầm, đài móng bằng cách xây gạch để thi công cho tiện nhưng không biết được rằng với cách làm này bê tông sẽ bị mất nước, hút nước rất nhanh dẫn tới tịnh trạng bê tông kém chất lượng.
- Không lót móng bằng gạch: Lót móng nhà cấp 4 bằng gạch làm bê tông mất nước rất nhanh, tốt hơn hết là đổ một lớp bê tông mỏng lót xuống nền. Nếu các bạn đã trót lót gạch thì nên trát phẳng các khe gạch để giảm bớt lượng nước đổ bê tông thấm xuống đất
Trên đây là phần giới thiệu cũng như phân tích ưu nhược điểm các loại móng trong xây dựng. Tôi hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn giải quyết được vấn đề lựa chọn loại móng nào cho căn nhà của mình. Bạn có thắc mắc hay cần giải đáp gì thêm về các loại móng nhà cấp 4 có thể liên hệ tôi để được hỗ trợ nhé.
Xem thêm các bài viết về móng nhà:
- Đặc điểm thiết kế và thi công móng băng và móng bè trong công trình nhà ở dân dụng
- Móng đơn nhà 2 tầng, cấu tạo và thi công móng đơn nhà 2 tầng
- Móng băng nhà phố 3 tầng và quy trình thi công an toàn
- Các loại móng nhà 3 tầng cần biết
- Các loại móng nhà, các loại móng nhà dân dụng
- Biệt thự 2 tầng
- Mẫu biệt thự cổ điển đẹp