Cảnh báo nguy cơ "bong bóng xì hơi" tại đất nền Cần Giờ

05/05/2017 - 01:45
|

Tại Cần Giờ nói riêng và một số khu vực tại Tp.HCM nói chung, đất nền đang trong giai đoạn "sốt nóng". Nhiều chuyên gia địa ốc lo ngại, tình trạng bong bóng nhà đất có thể xì hơi bất cứ lúc nào.

Theo một số chuyên gia, giá đất tại xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ hiện trên 12 triệu đồng/m2, một số nơi giáp mặt biển, giá đất được chào bán hơn 20 triệu đồng/m2 là hết sức phi lý. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hàng loạt thông tin đại gia trúng đậm hàng tỷ đồng chỉ trong 1-2 ngày gom đất, nhưng những thông tin này lại không được kiểm chứng. Nếu tình trạng này không được kiểm soát, bong bóng BĐS rất dễ xảy ra và câu chuyện bong bóng vỡ chỉ tính từng ngày.

Trước những thông tin như Tp.HCM đang tổ chức thi tuyển thiết kế quy hoạch Cần Giờ thành một đô thị hiện đại hướng biển, đầu tư nhiều dự án cầu đường, bến cảng, đường hàng không... giá đất tại đây lập tức tăng đột biến, người người lao vào gom đất lướt sóng.

Phó chủ tịch huyện Cần Giờ, ông Trương Tiến Triển cho biết, dự án phà Cần Giờ - Vũng Tàu hiện đã chọn được nhà đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào khai thác năm 2018. Phà Cần Giờ - Cần Giuộc (Long An) cũng sẽ đưa vào khai thác dịp 2/9 năm nay.

Ngoài ra, Tp.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Bình Khánh, cầu Cần Giờ và nâng cấp đường Rừng Sác... Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy qua Cần Giờ cũng đang được đầu tư. Theo ông Triển, với hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ, du khách không thể chỉ đến đây ngắm cây xanh và đàn khỉ rồi về mà không có những nơi để nghỉ dưỡng thì quá lãng phí!

Nhiều dự án BĐS lớn đã bắt đầu được đầu tư như Khu đô thị lấn biển Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup; Trung Group hiện đang triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ và có chủ trương giao 1.000 ha đất ở Cần Giờ để phát triển đô thị; Tuần Châu đề xuất triển khai một dự án lấn biển trên diện tích khoảng 300 ha tại Cần Thạnh, sát dự án do Vingroup đầu tư...

Đất nền tại khu vực Cần Giờ đang "sốt nóng". Ảnh: Internet

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, việc sốt đất một phần có thể do những dự án cầu, đường, hạ tầng... làm tăng giá. Ngoài ra còn do nhóm nhà đầu cơ đang tạo ra những cơn sốt đất ảo rất phi lý.

Ông Châu cho rằng, dù đã có những cảnh báo từ các chuyên gia nhưng nhiều thông tin "trúng lớn" vẫn khiến người người, nhà nhà đầu tư theo tâm lý đám đông. Giới đầu cơ hoành hành, thổi giá còn do sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Ông Châu nói: "Nếu không có cảnh báo mạnh mẽ việc sốt đất nền dễ dẫn đến bong bóng, vỡ bong bóng phân khúc đất nền, phân lô, tách thửa".

Chuyên gia Đinh Thế Hiển lại cho rằng, cơn sốt đất nền tại Tp.HCM trong thời gian qua là do tâm lý đám đông. Nhiều người đổ xô mua đất nền vì cho rằng căn hộ thì rất nhiều nhưng đất thì hạn chế. Nhà đầu tư còn tích cực săn lùng đất nền trước những thông tin như Nhà nước sắp cấp sổ cho tách thửa, đại gia sắp làm “siêu dự án”, xây cầu, công trình hạ tầng… Thậm chí động lực tăng giá ở một số khu đơn giản chỉ là… tin đồn hoặc ăn theo vùng lân cận.

Trong cơn say đất nền hiện nay, ông Châu chia sẻ, bài học ở Nhơn Trạch cách đây hơn 10 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi tỉnh này chưa công bố cụ thể thông tin quy hoạch một phần Nhơn Trạch thành khu đô thị mới, lập tức, các nhà đầu tư và khách hàng đã đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào đây để đầu tư hàng loạt các dự án lớn nhỏ. Đến nay, Nhơn Trạch vẫn chưa mang dáng dấp là một khu đô thị hiện đại, còn khách hàng thì "chết như rạ" vì ôm đất bán không được.

Giới chuyên môn đánh giá, giá đất nền tăng mạnh vì hạ tầng không nhiều, mà chủ yếu tăng ảo do đầu cơ. Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Đình Trung, để thu hút khách hàng và "giải phóng" nhanh nguồn hàng đang ôm khá lớn, lực lượng môi giới đang "bơm" các thông tin hơi quá. Ông Ngô Qung Phúc, Phó TGĐ Him Lam Land cũng cho rằng thị trường đất nền Tp.HCM đang không bình thường.

Trước tình trạng này, giới chuyên gia địa ốc cảnh báo, các nhà đầu tư nên thận trọng, cần phải bình tĩnh, không đổ tiền mua đất ồ ạt, tìm hiểu nhiều thông tin trước khi quyết định mua, đừng để mua rồi 2-3 năm không bán được, lãi ngân hàng ăn hết vốn. Ông Phúc phân tích: "Người tiêu dùng cũng nên hiểu rằng họ mới chính là người làm chủ cuộc chơi. Bởi có đất, giới đầu cơ tha hồ thổi giá nhưng khách hàng bình tĩnh, suy xét kỹ càng, không mua theo tâm lý đám đông hay kiểu “mua mau kẻo hết” thì cò đất bán cho ai!".

(Theo Trí thức trẻ)