Có nên sáp nhập Nhơn Trạch vào TP.HCM?
Nếu Nhơn Trạch trở thành quận 13, TP.HCM, không những ước mơ một hai cây cầu sẽ trở thành hiện thực, mà nó còn chắp cánh cho con rồng Nhà Bè nâng TP.HCM lên một tầm cao mới, to đẹp hơn, giàu mạnh hơn, khang trang hơn, không ngại biển lớn sóng to, gặt hái những vụ mùa kinh tế bền vững…
So với Hà Nội 3.323,6 km2 (dân số khoảng 6,7 triệu người), diện tích 2.095,6 km2 (dân số 7,6 triệu) của TP.HCM có thể nói là còn khá khiêm tốn. Riêng khu vực Cần Giờ với vùng rừng ngập mặn dự trữ sinh quyển đã chiếm 704 km2.
TP.HCM được đánh giá là đất chật người đông so với các tỉnh thành khác
Do đó diện tích hữu dụng thực tế của TP.HCM chỉ vào khoảng 1.400 km2, nhỏ hơn Bangkok (1.569 km2, dân số 6,5 triệu) và Kuala Lumpur (2.486 km2, dân số 8,2 triệu). Các số liệu trên cho thấy việc đặt vấn đề mở rộng TP.HCM không hề phi thực tế, và thậm chí có thể gây ít tranh cãi hơn so với lần mở rộng Hà Nội gần đây.
Tuy vậy mở rộng TP.HCM để làm gì, theo hướng nào, sẽ đem đến lợi ích gì cho TP cũng như địa phương được sáp nhập là điều nên sơ lược tìm hiểu.
1. Để giữ vững và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đã định hướng cho mình một trung tâm kinh tế vùng nhìn ra biển. Chúng ta có một mũi tên chỉ về hướng đông TP.HCM.
2. Dưới tác động của hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, việc phát triển TP.HCM về khu vực sa bồi của các dòng sông như Nhà Bè, Cần Giờ hoặc dịch sang phía Long An là tối kỵ. TP cần hướng đến những vùng đất cao ráo, nền móng ổn định, chi phí xây dựng thấp, không lo ngập lụt, triều cường. Chúng ta có hai mũi tên chỉ về hướng đông và hướng bắc TP.HCM.
3. Để giảm tải giao thông nội đô, giãn dân và phát triển công nghiệp, TP.HCM cần có một quỹ đất mới giá rẻ, mật độ xây dựng chưa cao, qui hoạch đền bù nhẹ, gần trung tâm nhất. Chúng ta có thêm một mũi tên chỉ về phía đông.
***
Nhơn Trạch rộng 410 km2, dân số 167 ngàn người, nhỏ hơn huyện Củ Chi (435 km2, dân số khoảng 350 ngàn). Nhơn Trạch nằm về phía đông TP.HCM, giao thông sẽ cực kỳ thuận tiện với hệ thống đường hiện hữu và sắp sửa khởi công như quốc lộ 51, cao tốc Long Thành - Dầu Dây, cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch, đường vành đai 3, đường Liên Cảng nối với Cái Mép của Bà Rịa - Vũng Tàu…
Trung tâm huyện Nhơn Trạch nằm trong bán kính 20 km từ quận 1, TP.HCM, cách sân bay Long Thành tương lai chỉ 10 km. Giá chuyển quyền sử dụng đất trên thị trường hiện nay chỉ bằng từ 5% đến 10% giá của quận 2 và quận 7 của TP.HCM, bên kia sông Nhà Bè.
Nhơn Trạch sở hữu bờ đông của sông Nhà Bè, lòng sông rộng và sâu, thuận tiện phát triển một hệ thống cảng biển thay thế cảng Sài Gòn đang chuyển đổi chức năng, đồng thời liên kết hữu cơ với hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Người Nhơn Trạch đã và đang chuyển đổi cơ cấu việc làm từ thuần nông sang công nghiệp và dịch vụ với sự ra đời rất nhiều khu công nghiệp thành công hai mươi năm nay. Trở thành người thành phố, thay vì sống bên lề TP.HCM năng động và thịnh vượng, tôi tin sẽ tạo được sự đồng thuận rất lớn trong cư dân bản địa.
Đó là cơ hội đặc biệt cho tất cả mọi người về kinh tế cũng như văn minh. Tách ra khỏi Long Thành từ năm 1994, đất rộng người thưa, sự sáp nhập Nhơn Trạch vào TP.HCM (nếu có) chắc chắn cũng không xuất hiện các phản vệ văn hóa tiêu cực như tiền lệ đây đó.
Nhận định cảm tính thì có khoảng 50% quyền sở hữu đất đai tại Nhơn Trạch thuộc về người TP.HCM hoặc các tỉnh thành khác. Rất nhiều người dân quận 2 và quận 7, đi tìm một môi trường sống khoáng đãng đã chọn Nhơn Trạch để xây tổ ấm hoặc dưỡng già. Nhơn Trạch nếu trở thành một phần TP.HCM, cũng chỉ là đuổi theo thực tế mà thôi.
Về nhân dân Đồng Nai nói chung, chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều. Nhơn Trạch chiếm 7% diện tích đất và 6,2% dân số Đồng Nai, không quá lớn để ảnh hưởng xấu đến toàn tỉnh nếu chia tách. Hơn nữa, vì đại cục, rất khó xuất hiện các quan điểm cực đoan.
Sẽ có người phản biện rằng địa giới hành chính chỉ có tính tương đối trong phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng kinh tế mở hướng ra khu vực và thế giới. Tuy vậy vấn đề là có sự lệch pha phát triển của các địa phương, khi đề cập cụ thể đến Nhơn Trạch.
Thật vậy, Nhơn Trạch không phải là trung tâm, là động lực phát triển chính của Đồng Nai. Trong khi đó bên kia bờ sông Nhà Bè lại là quận 2 và quận 7 của TP.HCM, là trung tâm mới, bệ phóng mới mà người dân TP đã và đang chờ mong nhiều năm nay. Sự lệch pha này sẽ dẫn đến hợp tác không đủ mạnh, đủ sâu giữa hai khu vực.
Xin nêu ví dụ nhỏ: Nhân dân Nhơn Trạch và TP.HCM từ lâu mơ ước có một chiếc cầu bắc qua bờ quận 7 hoặc quận 2, chi phí xây dựng tương đương cầu Phú Mỹ (hơn 3.000 tỉ đồng) hoặc gấp hai cầu Sài Gòn 2 (1.500 tỉ đồng), song hai địa phương chưa bao giờ nghiêm túc thảo luận vấn đề này. Trong khi đó nguồn vốn vay ưu đãi từ trung ương vừa hoàn thành cầu Long Thành và chuẩn bị khởi công cầu quận 9 - Nhơn Trạch; cùng hai chiếc cầu nối tiếp nhau là Bình Khánh qua sông Soài Rạp và Phước Khánh qua sông Lòng Tàu trên đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch, giá trị tổng cộng bằng 4 đến 6 lần cầu Phú Mỹ vì nó dài hơn và cao hơn.
Người Nhơn Trạch và TP.HCM thường xuyên sử dụng phà Cát Lái để đi lại thường tự trào đây là bến phà lớn nhất Đông Nam Á. Một kỷ lục ngược đời, bởi vì với lượng người và phương tiện qua lại mỗi ngày từ 50 ngàn đến 100 ngàn, thì xây cầu là một giải pháp tiết kiệm nhất và bắt buộc phải làm. Hằng ngày những chiếc phà 200 tấn được Đan Mạch viện trợ cho phà Mỹ Thuận và Cần Thơ xưa kia, vẫn cần cù chuyên chở những dòng người hối hả cùng có một giấc mơ về chiếc cầu hiện đại và tiện dụng.
Nếu Nhơn Trạch trở thành quận 13, TP.HCM, không những ước mơ một hai cây cầu sẽ trở thành hiện thực, mà nó còn chắp cánh cho con rồng Nhà Bè nâng TP.HCM lên một tầm cao mới, to đẹp hơn, giàu mạnh hơn, khang trang hơn, không ngại biển lớn sóng to, gặt hái những vụ mùa kinh tế bền vững…
Theo Thanh niên