Kiến nghị tạm hoãn làm sân bay Long Thành: Thêm cơ hội.
Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng đây là cơ hội để xem xét lại dự án sân bay Long Thành một cách chặt chẽ, nghiêm túc.
Cơ hội nhìn lại
Trong báo cáo tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch Covid-19, một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành được đề cập trong Chỉ thị 11.
Theo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc đầu tư sân bay là cần thiết, tuy nhiên trong thời gian này nên chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia hàng không - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống tán thành với quan điểm của các chuyên gia kinh tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và cho rằng đó là điều cần thiết.
Phân tích cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chỉ ra các lý do cần phải xem xét lại dự án sân bay Long Thành nhân đề xuất của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thứ nhất, về nguồn vốn đầu tư, bình thường, khi không có dịch cúm Covid-19 thì tiền đầu tư cho sân bay Long Thành đã rất khó khăn, dù đó là vốn huy động từ xã hội, vốn tư nhân hay vốn Nhà nước... Bây giờ, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cần phải ưu tiên vốn cho những lĩnh vực, dự án cần thiết hơn, có lợi hơn nhằm khôi phục đà phát triển của nền kinh tế. Nếu xét như vậy thì sân bay Long Thành không thuộc diện phải ưu tiên đầu tư.
Nếu kiến nghị tạm hoãn đầu tư sân bay Long Thành được chấp thuận thì đó là cơ hội để xem xét lại dự án này một cách chặt chẽ, nghiêm túc
Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, các hãng hàng không phải tốn rất nhiều thời gian để phục hồi, muốn vậy thì phải giảm bớt các chi phí cho họ. Trong khi đó, làm sân bay rất tốn kém, để thu hồi lại các chi phí đã bỏ ra, nhà đầu tư phải đẩy giá các dịch vụ lên cao, càng gây khó khăn hơn cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhu cầu đi lại hàng không hiện đã giảm sâu do tác động của dịch bệnh Covid-19 và triển vọng còn giảm sút nhiều nữa. Lượng khách giảm, cộng với tốc độ gia tăng hành khách chậm lại nên tương lai càng không có nhiều nhu cầu đối với sân bay Long Thành.
“Nhu cầu hành khách cho sân bay Long Thành được tính toán từ dự báo nhu cầu hành khách cho sân bay Tân Sơn Nhất rồi trừ đi phần năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất. Cách tính toán đơn giản này dựa trên giả thiết toàn bộ nhu cầu hành khách thặng dư của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chuyển qua sử dụng sân bay Long Thành.
Cách tính toán này rất cơ học, máy móc, tiềm ẩn rủi ro rất lớn về dự báo nhu cầu hành khách cho sân bay Long Thành khi phần lớn nhu cầu hành khách thặng dư của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chuyển qua sử dụng các sân bay trong khu vực, đặc biệt là hành khách vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sử dụng sân bay Cần Thơ.
Với sự phát triển của các đường bay trong năm qua, có thể thấy các đường bay quốc tế sẽ được phát triển thêm ở sân bay Cần Thơ và lượng khách dư ở Tân Sơn Nhất sẽ chuyển bớt xuống sân bay Cần Thơ, chứ không phải là sân bay Long Thành. Như vậy, sân bay Long Thành sẽ không có khách”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Thứ ba, phải thực hiện thăm dò thị trường, xem thử phản ứng của hàng không thế giới và khu vực ra sao, vì đã có những cảnh báo nhiều hãng hàng không đứng bên bờ vực phá sản do dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại giảm sút mạnh.
Từ những phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nếu kiến nghị của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành hiện thực thì đó cũng là một điều hay cho dự án sân bay Long Thành.
“Như vậy sẽ có thì giờ để xem xét lại cách chặt chẽ, nghiêm túc các số liệu dự báo, vốn đầu tư, thủ tục, luật lệ... từ đó có quyết định đúng đắn đối với dự án sân bay Long Thành”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả?
Khẳng định việc tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, như sân bay Long Thành, để chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là điều đúng đắn, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng lưu ý đến việc sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhiều dự án sử dụng vốn Nhà nước một cách kém hiệu quả, gây thua lỗ mà không có ai chịu trách nhiệm... Khi nền kinh tế chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường, kinh tế tư nhân được xác định là động lực chính của nền kinh tế, bởi vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, Nhà nước có thể ủng hộ bằng cách giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, cải cách thủ tục hành chính... đặc biệt hỗ trợ tư nhân chi phí đầu tư nghiên cứu.
“Doanh nghiệp tư nhân không có nhiều tiền để nghiên cứu, trong khi nhiều công trình nghiên cứu của Nhà nước lại tiêu tiền vô tội vạ, xong đút ngăn kéo.
Bây giờ phải kêu gọi tư nhân nêu vấn đề mà họ có nhu cầu nghiên cứu, với dự kiến cần bao nhiêu tiền mà trong đó tư nhân đầu tư một phần, còn Nhà nước hỗ trợ thêm. Công tư kết hợp như thế thì mới có được những kết quả nghiên cứu vừa đáp ứng nhu cầu vừa hiệu quả bởi tư nhân có trách nhiệm tham gia quản lý và biết xót đồng tiền họ đầu tư cho nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần giao nhiệm vụ cho các trường đại học uy tín nghiên cứu các đề tài lớn từ kinh tế đến kỹ thuật để đóng góp cho đất nước.
Chẳng hạn như dự án sân bay Long Thành, tại sao các trường đại học không được tham gia nghiên cứu, dự báo nhu cầu hành khách, nghiên cứu khả thi, hạch toán chi phí... thay vì để dự án mang sẵn rủi ro ban đầu vì không đặt nền tảng trên các kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan?”, vị chuyên gia đề nghị.
Theo Báo Đất Việt