Phát triển hạ tầng giao thông 'Cú hích' đưa ĐBSCL lên tầm cao mới

20/01/2022 - 10:45
|

Lâu nay, hạn chế giao thông ở ĐBSCL được cho là điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy hoạch, định hướng phát triển giao thông toàn vùng thời gian tới sẽ là 'cú hích' để đưa ĐBSCL phát triển lên tầm cao mới. Báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến, sự kỳ vọng và quyết tâm của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, cùng doanh nghiệp về phát triển giao thông trong vùng.

Ông LỮ QUANG NGỜI, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Đốc thúc thi công đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Việc thông xe dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Dự án có vai trò kết nối 2 đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở ĐBSCL.

Tỉnh Vĩnh Long hiện đang quan tâm đốc thúc đẩy nhanh thi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (được khởi công đầu năm 2021, với tổng chiều dài khoảng 23km, vốn đầu tư 4.826 tỷ đồng; kế hoạch cơ bản hoàn thành năm 2022, đưa vào sử dụng năm 2023), nhằm kết nối vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong thời gian tới. Khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến với Vĩnh Long.

Trước tầm quan trọng đó, Vĩnh Long phối hợp với chủ đầu tư và các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất để thi công nhanh cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hoàn thành đúng tiến độ. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 (phía bờ tỉnh Vĩnh Long, bắc qua sông Tiền), các khâu mặt bằng đã xong 100%, sẽ sớm hoàn thành để giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1A.

Ông TRẦN VĂN LÂU, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Ưu tiên đầu tư đoạn Sóc Trăng - Cần Thơ

Với sự quan tâm của Trung ương trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, hy vọng thời gian tới, tình hình giao thông khu vực này cải thiện tích cực hơn. Riêng tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm đi qua địa bàn. Trước mắt là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tỉnh đã kiến nghị phân bổ nguồn vốn từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để ưu tiên đầu tư đoạn Sóc Trăng - Cần Thơ.

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đang tích cực triển khai lập quy hoạch đối với cảng biển Trần Đề nhằm sớm hoàn thành thủ tục để kêu gọi đầu tư. Việc hình thành cảng biển này sẽ góp phần giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu cho toàn vùng ĐBSCL. Mới đây, Bộ GTVT có buổi khảo sát thực tế cảng biển Trần Đề và nhiều ý kiến khẳng định, cảng biển cần được đầu tư làm đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả vùng ĐBSCL, chứ không riêng Sóc Trăng. Quá trình xây dựng quy hoạch cần tính đến yếu tố liên kết vùng, bao gồm cả kết nối đường bộ, hàng không và đường thủy, với quy mô tầm cỡ quốc tế, tạo đột phá cho cả khu vực ĐBSCL.

Ông HỒ HOÀN TẤT, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau: Đề nghị sớm triển khai đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Cà Mau là một trong những tỉnh xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước với hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn sản phẩm tôm xuất khẩu phải qua các hệ thống cảng tại TPHCM và Đông Nam bộ. Vì vậy, việc vận chuyển hàng hóa hiện nay còn mất nhiều thời gian, tốn chi phí; nhất là những lúc lễ, tết thì đường sá thường xuyên bị kẹt xe…

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, trong đó có đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm nay của Cà Mau là sẽ phối hợp với bộ, ngành trung ương chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng và các khâu cần thiết nhằm đáp ứng việc triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Tỉnh Cà Mau đã xác định, một trong các đột phá chiến lược đến năm 2025 là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiệu quả; trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, trong thời gian tới, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đóng vai trò rất quan trọng và tỉnh Cà Mau kỳ vọng dự án sớm khởi công. Khi hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ Cà Mau đến Cần Thơ, đặc biệt TPHCM thuận lợi, nhanh chóng.

Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Sẵn sàng kêu gọi xã hội hóa hình thức BOT

ĐBSCL lâu nay là vùng nguyên liệu lớn của khu vực phía Nam và cả nước, tuy nhiên điểm nghẽn về lưu thông hàng hóa chưa khắc phục được. Vì vậy, đầu tư hạ tầng giao thông, mà cụ thể là các tuyến cao tốc kết nối giữa các địa phương trong khu vực với TPHCM, Đông Nam bộ…, hy vọng rằng sắp tới lưu thông hàng hóa sẽ hết nghẽn.

Cần thấy rằng, cao tốc Bắc - Nam là trục chính, nhưng các trục nhánh cũng cần sớm được đầu tư. Để giải quyết về nguồn vốn thì các địa phương, mà cụ thể là An Giang sẵn sàng kêu gọi xã hội hóa với hình thức BOT. Cơ chế chưa khuyến khích, chưa hấp dẫn nhà đầu tư rót vốn… thì chúng ta sẽ kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Đây là vấn đề quan trọng trong việc đẩy nhanh đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông cho vùng ĐBSCL.

Ông VÕ THANH PHONG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang): Thu hút đầu tư về ĐBSCL sẽ thuận lợi hơn

Khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo ra một diện mạo mới cho khu vực ĐBSCL, phá thế độc đạo của quốc lộ 1 hiện hữu; việc giao thương giữa TPHCM, Đông Nam bộ với các địa phương ĐBSCL sẽ thuận lợi.

Từ việc đi lại thuận lợi sẽ thu hút các nhà đầu tư về với vùng ĐBSCL nhiều hơn, nhằm xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Điều này góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt góp phần tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển ngành logistics ở ĐBSCL, vốn là lĩnh vực còn hạn chế lâu nay.

Các chuyên gia dự báo, tổng lưu chuyển hàng hóa sẽ tăng khoảng 50% trong vòng 5 năm tới, tạo cơ hội tăng sản lượng xếp dỡ hàng hóa qua các cảng biển ở TP Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp… Do đó, việc kết nối hệ thống đường bộ cao tốc với đường thủy, sân bay quốc tế Cần Thơ và các cảng biển khác trong vùng sẽ góp phần cắt giảm chi phí logistics, tạo khả năng cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong khu vực.

Theo SGGP online