Tăng thuế VAT lên 12%: Giá bán nhà tăng, thị trường bất động sản tê liệt

13/09/2017 - 09:43
|

Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá bất động sản tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đối doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.


Đề xuất tăng thuế VAT nếu áp dụng có thể gây tê liệt thị trường bất động sản

Với lý do mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải nâng thuế lên mức 12%. Đề xuất này ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Thuế chồng thuế

Tại buổi góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do VCCI tổ chức mới đây, đại diện Công ty Deloitte Việt Nam cho biết, Dự thảo luật đề nghị bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT để chuyển sang chịu thuế VAT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp này lo ngại, chuyển từ không chịu thuế sang phải chịu mức thuế VAT 10% thì hoạt động giao dịch của thị trường bất động sản bị ảnh hưởng, nếu áp dụng có thể gây tê liệt thị trường. Chịu thuế VAT khiến giá bất động sản tăng lên, giảm sức mua.

Cũng theo doanh nghiệp này, thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng. Trong khi đó bất động sản ở Việt Nam không được coi là một hàng hóa thông thường, nó là tài sản, quyền sử dụng đất là quyền về pháp lý. Đất là tài sản của Nhà nước, chỉ cho phép người sử dụng đất sử dụng, định đoạt (chuyển nhượng, tặng, cho…) và được coi là “tài sản đặc biệt” không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như một hàng hóa bình thường.

“Tiền sử dụng đất là một khoản thu ngân sách nhà nước, cụ thể là khi nhận bàn giao, thuê đất từ nhà nước thì doanh nghiệp, cá nhân đã phải trả khoản tiền sử dụng đất cho ngân sách. Do đó, nếu tiếp tục tính thuế VAT trên giá trị quyền sử dụng đất này thì có thể xảy ra tình trạng thuế phí chồng thuế phí, đánh thuế hai lần" - đại diện Deloitte Việt Nam cho biết.

Giấc mơ mua nhà xa vời

Cùng chung quan điểm, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, luật thuế GTGT hiện hành quy định “chuyển quyền sử dụng đất” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là hoàn toàn đúng cả về mặt pháp luật (để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế), phù hợp với tình hình thực tiễn, và có lý có tình, nhất là trong trường hợp chuyển nhượng nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất.

Bởi lẽ, tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước (gần tương tự như một khoản thuế) mà chủ dự án đã nộp; khi bán nhà ở kèm theo chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế GTGT (nghĩa là người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này) theo quy định tại khoản 6 điều 5 Luật thuế GTGT. Do đó, dự thảo Luật dự kiến áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất thì sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm. Chính vì vậy, ông Châu kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất.

Về dự kiến nâng thuế suất thuế GTGT với phương án 1: Từ 10% lên 12%; phương án 2: tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả doanh nghiệp, cũng như cuộc sống của người dân. Các nước Asean như Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất GTGT 10%; Singapore 7%, Thái Lan 5%.

Đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Việc đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên, giá bán nhà tăng lên. Do vậy, hiệp hội kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế GTGT ở mức 5% tương tự như ưu đãi thuế GTGT đối với các dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính nhiều chuyên gia cho rằng tăng thuế VAT quá sớm sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực giảm mặt bằng giá bất động sản hiện đang còn quá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Và đặc biệt, tăng thuế VAT lên 2% sẽ khiến giấc mơ mua nhà vừa túi tiền của người dân càng trở nên xa vời!.

Theo Báo diễn đàn doanh nghiệp