Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Mở hướng cho miền Tây vươn ra biển lớn
(TN&MT) - Luận điểm có ý nghĩa đột phá là Nghị quyết 120/NQ-CP đã xác định cùng với nước ngọt thì nước lợ và nước mặn cũng đều là nguồn tài nguyên phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn ra biển đảo Tây Nam
Vùng Tây Nam bộ nước ta là một vịnh lớn của biển Thái Bình Dương rộng khoảng 400.000km2, trầm tích sông Me Kong mới chỉ bồi lấn kiến tạo đất liền gần 40.000km2, còn không gian biển đảo rộng 360.000km2 có tiềm năng phong phú về nguồn lợi thủy sản, sinh vật biển, khoáng sản và lợi thế giao thương quốc tế…
“Không gian biển Tây Nam bộ có hơn 2.000 loài thủy sản, sinh vật biển đa dạng, phong phú và dưới thềm lục địa có bể trầm tích dầu khí rộng 800.000km2”.
Ba hệ sinh thái có mối tương tác không thể tách rời...
Khi viết loạt bài này tôi trăn trở nên danh xưng vùng đất liền và biển đảo Tây Nam mà vương triều Nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền của nước ta trên cơ sở khai mở, đàm phán, thỏa thuận trong hòa bình từ hơn 300 năm trước, là đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nam bộ - cư dân sở tại quen gọi: Miền Tây
Hiện nay, tại vùng này gần 20 triệu người đang định cư sinh sống khắp từ đất liền đến hải đảo, thuộc 13 tỉnh, thành, điều kiện sinh hoạt, sản xuất được phân biệt bởi hệ sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn.
Miệt đất liền ngọt hóa lâu đời, gồm 5 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang và TP.Cần Thơ).
Miệt ven biển phân bố dài theo hơn 730km bờ biển, hệ sinh thái nước lợ, gồm 7 tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).
Miệt biển đảo, bao gồm: vùng biển nước mặn Tây Nam bộ (thềm lục địa, mặt nước mặn và khoảng 150 hòn đảo có hệ sinh thái nước ngọt, trong đó khoảng 52 đảo có cư dân), địa phận của 29 huyện, thị, thuộc 7 tỉnh ven biển.
Ba hệ sinh thái này có mối tương tác chặt chẽ: “Suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển vùng này các mối liên kết dòng chảy sông ngòi - phù sa - rừng ngập mặn và động lực biển có những mối tương tác chặt chẽ và không thể tách rời nhau” - Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về BĐKH (ĐHCT), khẳng định.
Thế nhưng theo Tiến sỹ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển vùng ĐBSCL (ĐHCT), thì: “Khi nói đến ĐBSCL người ta thường chỉ chú ý đến phần đất liền 40.000km2 mà chưa quan tâm nhiều đến biển đảo Tây Nam - vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn”. Vì lẽ đó, tôi gọi vùng này là miền Tây, để bao hàm cả miệt ngọt hóa lâu đời ven sông Tiền, sông Hậu; miệt ven biển giao thoa giữa sông với biển và miệt biển đảo Tây Nam.
Đất liền đã “nổi lên” từ biển
Ngày nay, trên vùng đất liền kênh rạch chằng chịt, mang hình hài con tàu đang lao ra biển Tây Nam này vẫn còn lưu giữ nhiều bằng chứng cho biết nó đã “nổi lên” từ biển. Vết sóng cổ còn in trên vách núi đá ở Hà Tiên (Kiên Giang), thềm biển cổ còn tại chân núi ở TX.Châu Đốc (An Giang). Nhiều luận điểm khoa học cũng đã khẳng định khoảng 9.000 năm trước nước biển cao hơn giờ khoảng 3m đến 4m, bờ biển ở chân núi vùng Thất Sơn.
Từ chân núi Cấm, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, lượng định phù sa sông Me Kong bồi lấn về phía biển đến nay được khoảng 250km, mỗi năm lấn xuống hướng Đông khoảng 16m, lấn xuống hướng Tây Nam khoảng 26m.
Những giồng cát duyên hải, than bùn dưới độ sâu từ 1 – 2m trong rừng U Minh (Kiên Giang), các vùng trũng như Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), đặc biệt là Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, là chứng tích biến động của phần trầm tích dòng Me Kong bồi lấn trải qua các thời kỳ biển dâng - biển cạn lặp đi, lặp lại theo chu kỳ 3.000 năm.
Đến bảo tàng tỉnh Kiên Giang, khu di tích văn hóa Oc Eo ở tỉnh An Giang, còn thấy các vật chứng khảo cổ phản ánh bối cảnh giao thương hàng hải quốc tế sôi động từ đảo Phú Quốc tới chân núi vùng Thất Sơn trong quá khứ.
Những mảnh gỗ xác tàu cổ chở gốm sứ Thái Lan, Trung Quốc,… vớt lên từ đáy Rạch Tràm, hòn Dầm, hòn Ông Đội quanh viền nước nông quần đảo Phú Quốc và cả một Thương cảng xuất nhập hàng hóa tại trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của cư dân cổ, ở huyện Thoại Sơn (An Giang) mới phát lộ.
“Trật tự di tích ở 2 hố khai quật đã cho thấy tiến trình lịch sử của cư dân ở một trung tâm liên tục phát triển qua suốt 10 thế kỷ" - Tiến sỹ Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), trực tiếp khai quật di tích, cho biết.
“Hệ thống hơn 150 hòn đảo là hệ sinh thái nước ngọt là điểm tựa vững chắc cho tàu thuyền hoạt động trên biển”.
Không gian biển và đất liền có mối tương hỗ, đặc điểm trong phát triển bền vững
Đi dọc theo chiều dài 730km bờ biển từ Vàm Láng (Gò Công - Tiền Giang) tới Hà Tiền (Kiên Giang), còn thấy những ngôi miếu thờ cá Ông (cá voi) và lễ hội nghinh Ông – một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của ngư dân duy trì từ thế kỷ 18 và cả bia tưởng niệm hàng ngàn ngư dân tử nạn trên biển Tây Nam trong cơn bão Linda - 1997.
Cuộc mưu sinh trên biển Tây Nam đã diễn ra từ những ngày đầu cha ông mở cõi với nhiều hiểm nguy rình rập, khó lường, cá voi là điểm tựa tinh thần của ngư dân trước sóng, gió trên biển nước nhưng đã không thể giúp hàng ngàn người vượt qua thảm họa thiên tai.
Sự ỷ lại vào ưu đãi từ thiên nhiên của miền Tây đã bị đánh chìm từ thảm họa bão Linda và được nhắc lại bằng một vùng áp thấp trên biển Đông đúng vào ngày nó đã xảy ra vào 20 năm sau đó. Ứng phó nhanh, an toàn, hiệu quả, thể hiện quan hệ phối hợp của các bộ phận trong đất liền với người, phương tiện hoạt động ngoài biển, đảo đã không ngừng được thắt chặt, rút ngắn khoảng cách bằng giải pháp ứng dụng công nghệ.
Hàng trăm ngàn tàu thuyền đánh bắt gần bờ, xa bờ trên biển Tây Nam đang được khuyến khích phổ biến ứng dụng máy dò luồng cá, máy lọc nước biển thành nước ngọt, công nghệ mới bảo quản sản phẩm, trang bị Rada hàng hải, máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS để cập nhật diễn biến thời tiết, kịp thời ứng phó, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp pháp lý quốc tế.
“Trước, trong và sau khi buông lưới bà con đều ghi chép tọa độ vị trí con tàu, hải sản bắt được ghi rõ chủng loại, số lượng; vô đến bờ được kiểm tra, cấp giấy mới cập cảng lên hàng, nhập hàng… làm bài bản vậy có lợi cho ngư dân, ngư trường” - Ông Võ Đăng Khoa, Thuyền trưởng tàu KG 95671, cho biết. Ở tỉnh Kiên Giang, cán bộ Chi cục Thủy sản ngồi tại phòng làm việc trong đất liền có thể theo dõi, giám sát, hỗ trợ ngư dân thông qua phần mềm công nghệ thông tin kết nối thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên 3.000 tàu đánh bắt xa bờ.
Các hoạt động khai thác dầu khí từ bể trầm tích dưới thềm lục địa (rộng 800.000km2), giao thương hàng hải với các quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Campuchia,… và sinh hoạt của hàng trăm ngàn cư dân với phong trào nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, phát triển du lịch sinh thái, cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên vùng biển Tây Nam, cũng đang không ngừng hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với đất liền, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực vươn khơi bám biển.
Theo Tiến sỹ Đặng Kiều Nhân: “Kinh tế biển bao gồm khai thác tài nguyên trực tiếp từ biển, kinh tế dựa vào biển, kinh tế đảo và kinh tế ven biển. Cụ thể là nuôi trồng và đánh bắt thủy - hải sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí biển, khoáng sản, năng lượng tái tạo, vận tải và dịch vụ hậu cần, du lịch biển đảo… Do đó, không gian đất liền và không gian biển có mối quan hệ tương hỗ, đặc điểm quan trọng trong phát triển bền vững vùng”.
“Thiên cơ” tiềm ẩn…
Một người bạn là kiến trúc sư dày kinh nghiệm ở miền Tây, nói với tôi rằng lâu nay giới đầu tư bất động sản tầm cỡ đổ về Cà Mau, Kiên Giang, nhất là đảo Phú Quốc, ấp ủ “thiên cơ” tiềm ẩn từ biển Tây Nam. Họ biết đảo Hòn Khoai là chỉ dấu của kênh đào Kra triển khai tắt ngang miền Nam nước Thái, mở huyết mạch hàng hải cho tàu thuyền quốc tế từ Ấn Độ Dương đi thẳng vào biển Đông, vịnh Thái Lan - Thái Bình Dương, giảm cả ngàn cây số so với đi vòng lên eo Malacca.
Dự án hoàn thành thì biển đảo Tây Nam sẽ là vùng thương cảng quốc tế sôi động, đảo Hòn Khoai cách đất liền gần 15km có thể là cảng biển nước sâu trung tâm và miền Tây sẽ xoay trục phát triển từ đây. Họ tin viễn cảnh đó và theo dõi sát tiến trình triển khai đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống 13 cảng cá loại 2 và 21 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền trên vùng biển đảo Tây Nam theo quy hoạch.
Nhìn vào bản đồ thấy rõ miền Tây không chỉ bó hẹp trong đất liền mà hoàn toàn có thể vươn ra không gian biển đảo rộng lớn, kết nối với các nước láng giềng trong khối ASEAN. Do đó việc nhân diện những vấn đề cấp bách, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững vùng biển đảo Tây Nam bộ cần được tiến hành ngay từ trong lộ trình hoạch định chiến lược phát triển miền Tây theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP.
Theo Báo Tài nguyên Môi trường