VARS: Xóa bỏ rào cản cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Ngoài các vấn đề liên quan đến giá đất, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), bán nhà cho người nước ngoài cũng là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu khi bàn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo VARS, Chính sách cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước đã được quy định trong Nghị quyết số 19 năm 2008 của Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ từ khi Luật Nhà ở 2014 bổ sung quy định điều kiện cụ thể, số lượng cá nhân, tổ chức sở hữu nhà ở tại Việt Nam mới được cải thiện.
Theo đó, người nước ngoài sẽ được sở hữu nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm, được nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư tương đương một đơn vị hành chính cấp phường.
Dữ liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, đã có khoảng 3.035 người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765), TP.HCM (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa - Vũng Tàu (50)... Phần lớn các đối tượng này đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.
Tuy nhiên, tổng số người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam vẫn còn rất ít so với nhu cầu.
Cụ thể, theo tính toán của VARS, số lượng nhà ở được người nước ngoài mua tại Việt Nam kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở trong cả nước giai đoạn 2018-2022.
Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bao gồm nhu cầu sở hữu nhà để ở và nhu cầu kinh doanh là rất lớn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều.
Lãnh đạo VARS cho rằng, xu hướng tăng mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam là một tín hiệu tốt, phản ánh tiềm năng của nền kinh tế đang phát triển ngày càng tích cực.
Nổi lên là một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động, được các tổ chức uy tín quốc tế đánh giá là điểm sáng ở khu vực châu Á. Những năm gần đây, hàng loạt nhà đầu tư “đại bàng" với dòng vốn quy mô lớn đã đổ bộ, tìm kiếm cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Cùng với dòng vốn FDI đang ngày “chảy" mạnh, lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hàng năm. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2005, số lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam là 12.000 người, năm 2010 là 55.000, năm 2015 là 83.600 và năm 2019 là 117.800 người. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, số lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Việt Nam tính đến tháng 3 năm 2022 là 100.000 người, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005.
Việc làm ăn lâu dài ở Việt Nam cũng như nhu cầu đầu tư trước sức hút từ tiềm năng đầu tư bất động sản tại Việt Nam chắc chắn sẽ nảy sinh nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ.
Bên cạnh đó, sự lựa chọn của giới nhà giàu nước ngoài khi mà giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng tăng lên.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, “giữ chân" một lượng lớn nhân sự trình độ cao đến Việt Nam làm việc, theo VARS, Luật Nhà ở cần được sửa đổi theo hướng minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với quy định, thực tiễn. Trong đó, các quy định cần mở hơn, cụ thể hơn thay vì gia tăng các rào cản. Đồng thời, việc sửa đổi này phải đồng bộ các quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản. Cụ thể:
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng nguồn cung nhà ở, xây dựng các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu nhà ở và đầu tư của người nước ngoài tại Việt Nam tại những khu vực được cho phép.
Thứ hai, cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư) trong khi làm việc tại đây. Quy định rõ yêu cầu về khoảng thời lao động tối thiểu còn lại tại thời điểm mua nhà.
Thứ ba, để tránh đầu cơ, cần bổ sung điều kiện gắn liền với nền kinh tế quốc gia khi người nước ngoài mua qua một số lượng nhà ở nhất định. Áp dụng thuế bất động sản, lũy tiến tăng theo với số lượng bất động sản đã mua. Mức thuế có thể nâng cao dần nếu chủ sở hữu bất động sản không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, cho phép người nước ngoài có thể mua nhà ở từ công dân Việt Nam, cho phép cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản du lịch. Bởi đây là các sản phẩm cao cấp, khó thanh khoản, phù hợp với khả năng chi trả của người nước ngoài. Việc bán nhà cho người nước ngoài sẽ có thể giải quyết lượng lớn tồn kho này, giúp thị trường trở nên sôi động hơn. Đáp ứng mong muốn mua bất động sản làm ngôi nhà thứ hai, đặc biệt là các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với các tiện ích đa dạng để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc cả hai.
Tuy nhiên, các chính sách cần giữ nguyên, bổ sung thêm các quy định để đảm bảo yêu cầu về an ninh, quốc phòng và không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị như về tỷ lệ mua cũng như các khu vực được phép mua...
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn