Bình Chánh phát triển đô thị theo hướng đô thị sinh thái gắn với nông nghiệp
Chiều 14/7, đoàn công tác của UBND TPHCM do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh về duyệt kế hoạch và giao nhiệm vụ năm 2023; giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện.
Quan tâm xem xét, sớm có ý kiến đối với 5 Đề án thí điểm
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện 20 chỉ tiêu chủ yêu trong năm 2023 đảm bảo theo các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, có 15/20 chỉ tiêu đạt tiến độ đề ra.
Đối với lĩnh vực kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã tư vấn cho hơn 25 nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại huyện, như giới thiệu các vị trí đất phù hợp để nhà đầu tư lựa chọn; tư vấn hỗ trợ về thủ tục hành chính...
Về phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện có 1.865/2.100 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp thành lập mới, đạt tỷ lệ 88,8% kế hoạch, tăng 140 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp so với năm 2022.
Đối với lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, huyện đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện dự án đường Vành đai 3, đoạn đi qua huyện Bình Chánh với chiều dài hơn 15 km. Đến nay, dự án đường Vành đai 3 đã có 207/393 hộ giao mặt bằng, đạt tỷ lệ 52,7% với diện tích là 137,25 ha, đạt 94,14%…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Tài kiến nghị UBND TP, các sở, ngành TP quan tâm xem xét, sớm có ý kiến đối với 5 Đề án thí điểm của UBND huyện như: Thí điểm giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực quy hoạch dân cư xây dựng mới cho đối tượng khó khăn nhà ở; Đầu tư xây dựng đường mở mới Tây Bắc, đường Kênh Trung ương theo phương thức đối tác công tư; Đầu tư xây dựng đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn từ đường Võ Trần Chí đến đường Vành đai 3) theo phương thức đối tác công tư; Thí điểm đầu tư xây dựng Khu Văn hóa đa năng huyện Bình Chánh; thí điểm cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Đồng thời, kiến nghị UBND TP xem xét, bố trí vốn cải tạo, nâng cấp các hạng mục thiết yếu và kết nối giao thông khu vực Công viên Văn hóa Láng Le; chấp thuận chủ trương giao khu đất Công viên văn hóa Láng Le, với 22,39 ha cho huyện Bình Chánh quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, TP xem xét, cho huyện giãn tiến độ đầu tư đối với 22 dự án trường học, 2 dự án giao thông; quan tâm, xem xét ưu tiên bố trí vốn cho 4 dự án cấp bách, đủ cơ sở pháp lý để thực hiện và giải ngân trong năm 2023 gồm: Dự án xây dựng trường THPT Vĩnh Lộc A; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Kênh liên vùng, xã Phạm Văn Hai; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Hải Phụng, xã Phạm Vãn Hai; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bà Tỵ, xã Tân Nhựt…
Ngoài ra, UBND TP quan tâm, sớm xem xét, quyết định bổ sung 1 Phó Chủ tịch UBND xã có dân số từ 50.000 người trở lên gồm: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Cần quy hoạch theo hướng phát triển thành TP trong TP
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của Thường trực Huyện ủy huyện Bình Chánh trong lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời đánh giá cao huyện Bình Chánh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành của TP; chủ động các nguồn lực ngoài ngân sách.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, trên địa bàn huyện có những dự án giao thông lớn của TPHCM đi ngang, trong đó có đường Vành đai 3. Vì vậy, vấn đề quy hoạch và khai thác quỹ đất dọc theo tuyến đường này rất quan trọng, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Trao đổi về quy hoạch, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu huyện Bình Chánh phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cần quy hoạch theo hướng phát triển thành TP trong TP. Đây không chỉ địa bàn của Bình Chánh, mà địa giới hiện tại sẽ được cấu trúc lại, một phần sẽ tạo TP khu Nam. Tuy nhiên, sẽ có thêm một phần diện tích có thể của Bình Tân hay địa phương khác để có TP phía Tây Nam. TP phía Tây Nam sẽ là cửa ngõ và là vệ tinh của TP trung tâm.
Đối với các khu công nghiệp trên địa bàn, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng những khu công nghiệp hiện hữu cần phải chuyển đổi chức năng. “Ở đây không phải chuyển thành đô thị. Khu công nghiệp nơi đây sẽ khu công nghiệp không ô nhiễm, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp giá trị gia tăng lớn, các khu mới này theo hướng hình thành những khu công nghiệp chuyên đề như: chip vi mạch; vật tư y tế; hóa chất, cơ khí… thậm chí có thêm mô hình tổ hợp đô thị công nghiệp dịch vụ…” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đối với nông nghiệp, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, về lâu dài, diện tích đất nông nghiệp, hoạt động sản sản xuất nông nghiệp huyện Bình Chánh sẽ giảm đi, nhưng điều đó không có nghĩa là nông nghiệp sẽ biến mất. Cho nên, Bình Chánh phải phát triển đô thị theo hướng đô thị sinh thái gắn với nông nghiệp. Nông nghiệp ở đây không phải nuôi trồng như ở các địa phương khác của Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là tập trung vào khâu sản xuất giống cây giống, con giống, vào chế biến, vào làm sàn giao dịch các sản phẩm; nông nghiệp gắn với du lịch. Để hình thành nền đô thị, nông nghiệp, đô thị sinh thái, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Bình Chánh phải giữ một mảng xanh trong các đô thị. Do vậy, phải tính toán cho nó phù hợp trong quy hoạch.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Bình Chánh để có giải pháp thực hiện. Riêng về xây trường học, đồng chí đề nghị Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện cùng TP quyết tâm sẽ xây dựng 911 phòng học cho học sinh.
Nguồn: thanhuytphcm.vn