Bình Phước bỏ nhiều quy định về tách thửa đất - dân được lợi, đất nền bị siết
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền vừa ký Quyết định 27/2020/QĐ-UBND ban hành Quy định về hạn mức đất ở và điều kiện tách thửa đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh.
Quyết định 27 ra đời với việc loại bỏ nhiều quy định về tách thửa đất so với Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND.
Cụ thể tại Khoản 2, Điều 1 với điều khoản: Các trường hợp không áp dụng quy định này (Quyết định 27/2020) đã loại bỏ điều kiện: Thửa đất hình thành từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (khu dân cư).
Ở Khoản 1, Điều 2 quy định về Đối tượng áp dụng loại bỏ điều kiện: Quy hoạch tổng mặt bằng theo quy định pháp luật.
Tại Điều 4 quy định về Điều kiện chung để được tách thửa đất có nhiều khoản được cắt bỏ như:
Khoản 2: Việc tách thửa đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt;
Khoản 6: Thửa đất phải tiếp giáp đường giao thông hiện hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; Khoản 7: Việc tách thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng đất hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai;
Khoản 8: Quyền sử dụng lối đi qua được xác định là quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề và được thể hiện tại điểm Ghi chú trên Giấy chứng nhận.
Ở Điều 6 quy định về Điều kiện cụ thể được tách thửa đất ở đã loại bỏ các khoản:
3. Trường hợp thửa đất sau khi tách thửa đều tiếp giáp đường giao thông thì được phép tách thửa và phải đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 4, khoản 1, khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp khi tách thửa có phát sinh thêm đường giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này), việc tách thửa đất thực hiện như sau:
a) Sau khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận chủ trương tự nguyện trả lại đất làm đường để tách thửa đất, người sử dụng đất lập quy hoạch tổng mặt bằng. Quy hoạch tổng mặt bằng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo hướng dẫn của Sở Xây dựng;
b) Diện tích tối thiểu, kích thước thửa đất, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và Quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt. Phần diện tích sử dụng chung như đường giao thông, đường điện, cấp thoát nước, cây xanh trong quy hoạch tổng mặt bằng sau khi đầu tư hoàn chỉnh theo phê duyệt và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận sẽ được thu hồi theo hình thức thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất để làm đường giao thông, đường điện, cấp thoát nước, cây xanh và giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý;
c) Việc tách thửa chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng kiểm tra, xác nhận bằng văn bản đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối hạ tầng trong khu vực theo quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt và đã hoàn thành thủ tục thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất để làm đường giao thông, đường điện, cấp thoát nước, cây xanh bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
5. Trường hợp thửa đất trước khi tách thửa có diện tích bằng hoặc lớn hơn 2.000 m2 tại thành phố, thị xã và có diện tích bằng hoặc lớn hơn 5.000 m2 tại huyện: Sau khi tách, số thửa hình thành lớn hơn 3 thửa đất, có phát sinh thêm đường giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở (dự án khu dân cư) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Quyết định Quyết định 27/2020/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 10 năm 2020 và thay thế Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2019 của ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Quy định hạn mức đất ở và điều kiện tách thửa đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Theo Cafeland