Có 2 cao tốc mới, miền Tây sẽ bứt phá
Hai tuyến cao tốc mới sẽ là trục ngang kết nối với cao tốc trục dọc đã và đang xây dựng, tạo nên mạng giao thông liên hoàn cho cho miền Tây cất cánh.
Tới năm 2030, dự kiến miền Tây sẽ có thêm hai tuyến cao tốc chạy theo trục ngang vô cùng quan trọng là Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc và tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Theo các chuyên gia, miền Tây sẽ tăng tốc nhờ hai tuyến cao tốc mới này.
Làm sớm để gỡ nhiều điểm nghẽn ở ĐBSCL
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết bộ đã có tờ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030. Trong đó cho phép điều chỉnh thời gian xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu xong trước năm 2030 (quy hoạch hiện hành là sau năm 2030 mới đầu tư - PV).
Theo Bộ GTVT, hiện nay khu vực Tứ giác Long Xuyên chưa có tuyến cao tốc trục ngang kết nối với trục dọc đã và đang xây dựng (TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ) trong khi đây là khu vực tập trung sản xuất lúa, gạo, thủy hải sản lớn nhất cả nước. Đồng thời, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có ý kiến gửi Chính phủ, các bộ, ngành đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc mang tính kết nối, trong đó có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
“Mặt khác, xét về nhu cầu vận tải, tại thời điểm hiện nay lưu lượng xe trên trục quốc lộ 91 kết nối về khu vực khoảng 11.500 xe quy đổi/ngày đêm, dự kiến năm 2030 vào khoảng 25.355 xe quy đổi/ngày đêm. Trong khi đó, quốc lộ 91 với quy mô đường cấp III, hai làn xe sẽ mãn tải vào năm 2020. Vì vậy, việc đầu tư sớm tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là cần thiết nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua và các địa phương lân cận” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Sơ đồ hai tuyến cao tốc mới đi qua các tỉnh miền Tây. Đồ họa: Hồ Trang
Từ mũi Cà Mau sẽ nối thông với Campuchia và ASEAN
Đối với tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đây là tuyến cao tốc trục ngang nằm ở tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Trong đó, đoạn từ Hà Tiên đến Rạch Giá đi trùng với tuyến hành lang ven biển phía Nam thuộc tuyến đường bộ chạy dọc bờ biển vịnh Thái Lan đến Bangkok, Campuchia và Việt Nam đến phía Nam TP Cà Mau.
“Đây là đường hành lang giao thông chiến lược sẽ được phát triển để đẩy mạnh giao thương xuyên biên giới. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước thuộc tiểu vùng sông Me Kong, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, tạo bàn đạp xúc tiến các hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận trong tiểu vùng sông Me Kong. Nên cần điều chỉnh quy hoạch để đầu tư tuyến đường trước năm 2030 là phù hợp” - Bộ GTVT thông tin.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), cho biết sau khi Bộ GTVT trình lên, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành. Hiện Bộ GTVT đang tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để làm rõ, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.
“Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh lộ trình đầu tư, trên cơ sở tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với điều kiện nguồn lực. Sau đó, sẽ trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện…” - ông Huy cho hay.
Ngoài ra, hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hai dự án trên để lấy thông tin. “Tuy nhiên, điều đầu tiên phải được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh quy hoạch mới có cơ sở tiến hành các bước tiếp theo…” - ông Huy nói.
Miền Tây sẽ tăng tốc phát triển
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng hiện nay ĐBSCL là vùng đang “khát” đường cao tốc nhất nước. Cụ thể, nếu như cả nước có khoảng 1.000 km đường cao tốc thì đồng bằng hiện mới chỉ có hơn 40 km (TP.HCM - Trung Lương).
Cũng theo TS Hiệp, cách đây 12 năm, ý tưởng xây dựng tuyến đường cao tốc Cần Thơ - An Giang - Phnom Penh (Campuchia) dự kiến khoảng 1,8 tỉ USD đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL xúc tiến. Tuy nhiên, thời gian qua dự án này dần rơi vào quên lãng do “nghẽn” về nguồn kinh phí.
“Hai dự án vừa được Bộ GTVT đưa ra là cả sự kỳ vọng và mong mỏi của ĐBSCL, thế nên nếu triển khai trong kỳ kế hoạch vốn ngân sách năm năm tiếp theo thì sẽ rất thuận lợi!” - TS Trần Hữu Hiệp nói.
Là địa phương nằm ở điểm đầu của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhấn mạnh: “Tỉnh đang rất khao khát để tuyến cao tốc này sớm được đầu tư xây dựng và khi hoàn thành là động lực rất lớn cho khu vực, các TP, huyện giáp ranh biên giới Campuchia”.
Cũng theo ông Bình, hiện đang có những điểm nghẽn trong hệ thống cầu, đường kết nối giữa An Giang với các tỉnh, thành ĐBSCL và với TP.HCM. Đó là kết cấu, quy mô nhiều tuyến đường huyết mạch chưa đồng bộ, đang xuống cấp, thiếu vốn hoặc chưa đầu tư, như cầu Châu Đốc và 17 km thuộc tuyến N1 đoạn qua Châu Đốc - Tân Châu, nâng cấp mở rộng quốc lộ 91C để kết nối với nước bạn Campuchia… Một số cầu yếu trên một số tuyến quốc lộ chưa được đầu tư nâng cấp nên hạn chế về tải trọng khai thác.
Trong khi đó, An Giang là tỉnh có nguồn nông, thủy sản rất dồi dào và tỉnh đang định hướng phát triển các khu công nghiệp về hướng TP Châu Đốc và các huyện biên giới Tịnh Biên, Tri Tôn nên rất cần các nhà đầu tư đến đầu tư nhà máy chế biến. Nhưng hiện An Giang chỉ có tuyến độc đạo là quốc lộ 91 lại chật hẹp, tắc nghẽn thường xuyên nên các nhà đầu tư rất ngán ngại, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.
“Nếu có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mọi chuyện sẽ được giải quyết, giảm tải cho quốc lộ 91, hạn chế tai nạn giao thông và vận chuyển hành khách, hàng hóa sẽ thuận tiện, nhanh chóng hơn. Cùng với cảng Trần Đề được xây dựng, tôi tin chắc rằng không chỉ kinh tế của An Giang mà cả những địa phương lân cận cũng được thúc đẩy phát triển. Đặc biệt là bốn tỉnh, thành trọng điểm ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. ĐBSCL đã có tuyến cao tốc trục dọc nhưng hiện đang thiếu cao tốc trục ngang. Nên cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có thể nói là con đường chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế An Giang nói riêng và cả ĐBSCL nói chung” - chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định.
Sóc Trăng là địa phương ở điểm cuối của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết đoạn tuyến qua địa phận Sóc Trăng dài khoảng 25,5 km và điểm cuối tại Sóc Trăng theo quy hoạch là vị trí giao cắt với đường vành đai 1, TP Sóc Trăng. Tuy nhiên, để đồng bộ với dự án cảng biển nước sâu Trần Đề trong tương lai, tỉnh đã đề xuất với Bộ GTVT điều chỉnh cho nối tuyến kéo dài đến khu vực dự kiến triển khai cảng Trần Đề. Điều này sẽ tạo sự kết nối vận tải đường biển - đường bộ và về lâu dài là sự thông suốt trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các tỉnh ĐBSCL với Campuchia và các nước ASEAN.
“Ngày 26-2, tỉnh sẽ có buổi làm việc với Bộ GTVT, trong đó sẽ có những kiến nghị, đề xuất liên quan đến hạ tầng giao thông của tỉnh, đặc biệt là dự án cảng biển nước sâu Trần Đề và đề xuất bổ sung quy hoạch để nối dài thêm khoảng 25 km của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để kết nối cảng Trần Đề” - ông Chuyện nói.
Theo Pháp luật