Đầu tư cho Củ Chi, Hóc Môn là đánh thức đúng lúc khu vực vốn như 'của để dành'
Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho rằng đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP.HCM) là cần thiết và nhiều triển vọng. Đó là đánh thức đúng lúc tiềm năng của khu vực phía bắc TP vốn dĩ như "của để dành".
Chiều 12-4, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Thực hiện lời hứa với cử tri hai huyện
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - đánh giá hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện lần này có 3 ý nghĩa quan trọng. Đó là thực hiện kế hoạch hành động của TP; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri TP và hai huyện trước khi ứng cử; tạo cơ hội cho các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế TP.
"Thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Ông Nên cam kết lãnh đạo TP sẽ nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn, không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Từ đó, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện để tạo chuyển biến mới, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.
Đưa Củ Chi, Hóc Môn là trung tâm tài chính, dịch vụ, nông - công nghiệp
Thông tin về quy hoạch phía bắc, tây bắc của TP, ông Nguyễn Thanh Nhã - giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP - cho biết đây là địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc được định hướng là một cực tăng trưởng quan trọng phía bắc.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, phải định hướng mở rộng phạm vi đô thị hóa Hóc Môn và Củ Chi theo một lộ trình bền vững, ổn định và hướng đến phát triển lên quận hoặc TP thuộc TP.HCM.
"Trong tương lai, đây sẽ là những trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao, các dự án dân cư được thiết kế bài bản", ông Nhã nói.
Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chung cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, phát triển Củ Chi thành vành đai xanh của TP. Không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát "phố không ra phố, làng không ra làng". Giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn.
Xây dựng Củ Chi và Hóc Môn là nơi có không gian văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiến đến có những bước đô thị hóa mạnh mẽ, trở thành TP, quận mới thuộc TP.HCM theo lộ trình hợp lý.
Đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, tuyến cao tốc TPHCM - Tây Ninh và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch...
"Đầu tư phát triển hai địa bàn này rất cần thiết và có nhiều triển vọng, đó là đánh thức đúng lúc tiềm năng của khu vực phía bắc TP vốn dĩ như một "của để dành". Việc phát triển Củ Chi và Hóc Môn sắp tới không chỉ riêng cho Củ Chi và Hóc Môn, mà còn phát triển cho cả TP và khu vực", ông Nhã nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng huyện Hóc Môn và Củ Chi là 2 địa bàn được nhiều lợi ích trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP. Đây là nơi xây dựng đường vành đai 3, 4.
Các dự án giao thông này cùng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp hai địa phương kết nối với các tỉnh và Campuchia. Không chỉ vậy, trên địa bàn 2 huyện tương lai sẽ hình thành các tuyến đường sắt đô thị.
Ông Lâm cũng cho biết TP đang có 2 dự án để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc. Theo đó, TP sẽ đầu tư phát triển hệ thống giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị và các đường vành đai.
Đến năm 2030, định hướng tỉ lệ đất giao thông trên đất đô thị đạt 17%. Mật độ đường giao thông bình quân là 3,1km/km2.
Sở Giao thông vận tải cũng đang rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông cần được kêu gọi đầu tư đề xuất UBND TP cơ chế và kế hoạch huy động nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Theo Tuổi trẻ