Đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 3

05/11/2018 - 08:38
|

TTO - Bộ Giao thông vận tải vừa thống nhất với UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An thúc đẩy nhanh dự án xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM.

Quốc lộ 1 từ nút giao thông Trạm 2 đến nút giao thông An Lạc (Q.12, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh) là đường vành đai 2 - Ảnh: Q.ĐỊNH

TP.HCM sẵn sàng ứng vốn giải phóng mặt bằng

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng trên cơ sở Chính phủ có chủ trương triển khai dự án đường vành đai 3, TP.HCM sẽ đề xuất HĐND TP thông qua việc tạm ứng ngân sách để tiến hành ngay bồi thường giải phóng mặt bằng (trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ triển khai thủ tục, phương thức đầu tư dự án).

Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn dự án đường vành đai 3, hệ thống đường vành đai TP.HCM còn quá ít, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng và chưa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP và các tỉnh khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các đơn vị tư vấn cho rằng việc đầu tư xây dựng khép kín đường vành đai 3 rất quan trọng, cấp thiết để kết nối với các địa phương gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai và Tây Ninh.

Từ đó sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán trong khu vực để đưa kinh tế - xã hội toàn khu vực phát triển.

Ngoài ra, tuyến đường vành đai 3 cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM và góp phần hình thành giao thông theo hướng đô thị đa trung tâm.

Quy hoạch đường vành đai 3 - Đồ họa: KIỀU NHI

Đã có lộ trình

Để thúc đẩy sớm triển khai dự án đường vành đai 3 - TP.HCM, trong công văn hỏa tốc mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã thống nhất với lãnh đạo UBND 4 tỉnh, TP về đầu tư tuyến đường vành đai 3.

Trong đó đã đưa ra lộ trình thực hiện trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng đường vành đai 3 đoạn từ Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP.HCM) và đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An).

Bộ GTVT cũng đã đề nghị các địa phương thu xếp vốn nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Chia sẻ về điều này, ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long - cho rằng các địa phương cần thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2019 - 2020 với

kinh phí khoảng 5.633 tỉ đồng. Trong đó UBND TP.HCM cần ứng trước khoảng 2.939 tỉ đồng. Phần còn lại ngân sách trung ương bố trí giải phóng mặt bằng cho tỉnh Bình Dương là 2.055 tỉ đồng và tỉnh Long An là 639 tỉ đồng.

"Trong thời gian các địa phương giải phóng mặt bằng, chúng tôi sẽ thực hiện ngay công tác thiết kế kỹ thuật dự án đường vành đai 3. Dự kiến công trình được thi công vào năm 2021 và hoàn thành năm 2024", ông Thi nói.

Ông Thi cũng cho biết thêm hiện nay nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cam kết tài trợ cho dự án đường vành đai 3 là 342 triệu USD. Đồng thời ADB sẽ thực hiện dịch vụ tư vấn nhằm xác định khả năng huy động vốn của khu vực tư nhân tham gia thực hiện dự án.

"Trong thời gian tới Tổng công ty Cửu Long sẽ làm thủ tục để tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 6 triệu USD (138 tỉ đồng) của Chính phủ Úc để thực hiện thiết kế kỹ thuật đường vành đai 3", ông Thi chia sẻ.

Quốc lộ 1 từ nút giao thông Trạm 2 đến nút giao thông An Lạc (Q.12, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh)

Hiệu quả đầu tư đường vành đai 3

Mới đây, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cũng đã có báo cáo gửi Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư về đầu tư dự án đường vành đai 3. Trong đó nói rõ về tính hiệu quả đầu tư từng đoạn tuyến của đường vành đai 3.

Cụ thể như việc đầu tư xây dựng đoạn 1 Nhơn Trạch - Tân Vạn sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực cảng Cát Lái, giảm lưu lượng xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai), nhất là đoạn cao tốc trên địa bàn TP.HCM, đường Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội.

Từ đó chắc chắn sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông ở cửa ngõ phía đông TP, đặc biệt là nút giao thông An Phú.

Ngoài ra, do đoạn 2 đường vành đai 3 đã được đầu tư (16km đi qua tỉnh Bình Dương), nên khi đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn được đưa vào sử dụng sẽ làm tăng hiệu quả cho dự án.

Lúc đó tuyến đường đã hoàn thành gồm đoạn 1 và 2 sẽ phát huy tiềm năng, đảm bảo hướng kết nối từ khu vực phía đông TP lên phía bắc và phía tây TP.

Riêng đoạn 3 của đường vành đai 3 (từ Bình Chuẩn - quốc lộ 22) khi được hoàn thành, Sở GTVT đánh giá tuyến đường sẽ đóng vai trò kết nối toàn bộ khu vực các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM và Long An.

Đây cũng là mạch giao thông để kết nối với hệ thống giao thông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đổ về.

Ngoài những mặt được trên, những đoạn đã hoàn thành trên tuyến đường vành đai 3 còn góp phần kết nối giao thông của cả khu vực với đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Tây Ninh. Từ đó góp phần giúp TP.HCM giảm lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ 1, nút giao thông An Sương.

Đặc biệt là trong giai đoạn TP chưa thể triển khai được đường trên cao số 5 (đi dọc quốc lộ 1) và chưa đầu tư khép kín đường vành đai 2.

Còn việc đầu tư đoạn 4 cho tuyến đường vành đai 3 (đoạn từ quốc lộ 22 đến Bến Lức) sẽ đóng vai trò kết nối giao thông khu vực với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang.

Khi đó đoạn đường này sẽ kết nối giao thông với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Tây Ninh.

Ưu tiên thực hiện ngay đoạn 1 của dự án

Thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, sở đã đề xuất với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và đầu tư ưu tiên đầu tư thực hiện ngay đoạn 1 của đường vành đai 3.

Kế đến là đầu tư hoàn chỉnh đoạn 3 và đoạn 4 (đoạn 4 chia ra hai đoạn gồm 4.1 và 4.2). Thứ ba là ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đoạn 4. Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất tiến độ triển khai dự án.

Cụ thể là đoạn 1 thực hiện năm 2018 - 2022. Đoạn 3 và đoạn 4.1 thực hiện năm 2019 - 2024. Đoạn 4.2 thực hiện năm 2023 - 2026.

Theo Tuổi trẻ