Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ chuyển đổi hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp
Huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) là địa phương có diện tích nông nghiệp được chuyển đổi lớn nhất lên đến 10.800ha. Diện tích đất được chuyển đổi hầu hết là để triển khai các dự án về đường giao thông, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất ở, thương mại dịch vụ.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành các quyết định về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là cơ sở để các huyện, thành phố, quản lý, sử dụng đất đai cho phù hợp và cũng là căn cứ để các địa phương triển khai những công trình, dự án trên các lĩnh vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Theo quy hoạch sử dụng đất, từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện nhiều dự án về đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị…
Những địa phương sẽ được chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là huyện Trảng Bom (hơn 7.500 ha), Nhơn Trạch (hơn 6.000 ha); Vĩnh Cửu (gần 6.000ha), Thống Nhất (hơn 5.700ha), Cẩm Mỹ… Dự kiến, từ nay đến năm 2030, mỗi địa phương trong tỉnh sẽ triển khai từ 450 - 600 dự án trên các lĩnh vực khác nhau.
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích nông nghiệp được chuyển đổi lớn nhất lên đến 10.800ha. Diện tích đất được chuyển đổi hầu hết là để triển khai các dự án về đường giao thông, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất ở, thương mại dịch vụ.
Trong đó, có 6 dự án về khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích hơn 4.500 ha; 109 dự án đường giao thông có diện tích hơn 2.100 ha; 33 dự án đất ở nông thôn, đất ở đô thị có diện tích hơn 3.300 ha; 41 dự án thương mại dịch vụ rộng trên 500ha.
Trước đó, tỉnh lấy ý kiến về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2022. Cụ thể, tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 47 dự án có sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích đất gần 690ha, trong đó sử dụng diện tích đất trồng lúa 139ha; 2 dự án sử dụng đất rừng phòng hộ với tổng diện tích đất 8,7ha, trong đó sử dụng diện tích đất rừng phòng hộ là 2,7ha; 2 dự án sử dụng đất rừng đặc dụng với tổng diện tích đất 1,8ha, trong đó sử dụng diện tích đất rừng đặc dụng là 0,4ha; 1 dự án sử dụng đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ với tổng diện tích đất 10ha, trong đó sử dụng diện tích đất trồng lúa 2,8ha và đất rừng phòng hộ 3,3 ha.
Theo CafeF