Đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có 7 thành phố, 1 thị xã

29/05/2020 - 11:09
|

Đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có 7 thành phố, gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn và 1 thị xã là Tiên Yên.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương, đến nay chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đã được chỉnh sửa, hoàn thiện.

Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển hệ thống đô thị theo hướng nhanh, bền vững; từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh; nâng cao chất lượng sống đô thị, thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan khu hợp, đồng bộ... Về hệ thống đô thị, giai đoạn 2020-2025: Toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; giai đoạn 2026-2030: Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 12 đô thị.

Đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có 7 thành phố, gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn và 1 thị xã là Tiên Yên. (Ảnh một góc TP.Hạ Long).

Để thực hiện nội dung đề ra, chương trình cũng xây dựng danh mục, kế hoạch nâng loại đô thị toàn tỉnh đến năm 2030; định hướng phát triển và đề xuất các phương án phát triển; các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung; giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Mục tiêu lớn nhất là đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất, bao trùm của chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030 là phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, là trung tâm phát triển của miền Bắc, trụ cột quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, với hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa, bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và di sản văn hóa Trúc Lâm Yên Tử; đi đầu cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng các điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu này. Do đó, đây là tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đồng thời là kết quả ý chí, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Động lực phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh những năm tới chính là nhờ quy hoạch tốt và việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng KT-XH, trong đó trọng điểm là tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; đường kết nối ven biển, ven sông Quảng Yên…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu, quy hoạch phải đi trước một bước và tích hợp 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh. Quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt làm cơ sở huy động, đa dạng hóa, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Phương châm thu hút nguồn lực lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đặc biệt thúc đẩy hợp tác công tư, thu hút tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh.

Động lực phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh những năm tới chính là nhờ quy hoạch tốt và việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng KT-XH, trong đó trọng điểm là tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; đường kết nối ven biển, ven sông Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều; đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; công trình động lực của TP.Hạ Long mới; hạ tầng động lực trong KKT Vân Đồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái, KKT Quảng Yên.

Về phương án lựa chọn là mô hình thành phố trong thành phố, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.

Yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh từ đề án chương trình đô thị tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch các KKT, quy hoạch các địa phương đang điều chỉnh đảm bảo đồng bộ, trong đó lưu ý quy hoạch sử dụng không gian biển để phát triển đô thị; tổ chức không gian và phân vùng chức năng gắn kết quy hoạch vùng huyện, liên huyện bằng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo thúc đẩy KT-XH theo đúng quy hoạch; có phương án sử dụng đất cấp tỉnh, huyện hợp lý, đảm bảo tiết kiệm quỹ đất và phát triển dài hạn. Đặc biệt, chú ý điều chỉnh quy hoạch chung KKT Cửa khẩu Móng Cái; quy hoạch KKT Quảng Yên kết nối với Uông Bí, Đông Triều; định hướng các khu vực trọng điểm: Quảng Yên - Cẩm Phả - Vân Đồn - Móng Cái - Hải Hà.

Trong phương án quy hoạch vùng liên huyện phải gắn Quảng Yên với Uông Bí, Đông Triều; gắn Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ, Cô Tô; Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu; Móng Cái với Hải Hà. Đặc biệt lưu ý khu đô thị mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu phải đạt tiêu chí cao về hạ tầng đô thị.

Xác định rõ quan điểm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phương thức phát triển từ nâu sang xanh với đô thị hóa với xây dựng NTM kiểu mẫu, đảm bảo đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH của tiêu chí đô thị, lấy công nghiệp chế biến chế tạo làm động lực để thu hút lao động.

Liên quan đến xác định danh mục các dự án ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải làm rõ nguồn lực ngân sách và nguồn lực ngoài ngân sách.

Về phương án lựa chọn là mô hình thành phố trong thành phố, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Đến năm 2030 có 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn và 1 thị xã là Tiên Yên. Hải Hà, Móng Cái phát triển lên đô thị loại 1 trở thành một đơn vị hành chính thống nhất, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của KKT Cửa khẩu Móng Cái.

Theo Dân Việt