Hà Nội: 5 đô thị vệ tinh giúp giảm tải khu vực nội đô như thế nào?

15/01/2017 - 05:57
|

Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn theo Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đến năm 2020, các đô thị vệ tinh này sẽ thu hút khoảng 0,7 triệu người và đến năm 2030 là khoảng 1,31,4 triệu người.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn (cửa ngõ phía Bắc Hà Nội) là đô thị phát triển về công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ hàng không, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo.

Đô thị vệ tinh Sơn Tây (cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội) là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới.

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc (cửa ngõ phía Tây Hà Nội) có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, đầu tư các cơ sở trọng tâm là Đại học quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ như: các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm y tế, các dự án về đô thị mới như Tiến Xuân - Phú Mãn, Đông Xuân; tiếp tục hoàn thiện Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai (cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội) là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng, các khu tiểu thủ công nghiệp...

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội) là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa. Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề... Xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) đồng thời, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng Nam sông Hồng. Để phù hợp với đặc điểm thấp trũng của khu vực, xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước nhân tạo lớn để phục vụ thoát nước.

5 đô thị vệ tinh giúp giảm tải cho khu vực nội đô

Những điểm quy hoạch chưa tốt tại Hà Nội và Tp.HCM đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ rõ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 6/1. Theo Phó Thủ tướng, để giảm tải áp lực đô thị, việc đầu tư các đô thị vệ tinh, kết nối tốt hệ thống giao thông công cộng là rất quan trọng.

Ngoài 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Dự báo dân số Hà Nội đạt khoảng 7,3-7,9 triệu người vào năm 2020 và năm 2030, đạt khoảng 9 triệu người.

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và phía đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đô thị trung tâm được xác định là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa... của cả nước.

Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô gồm khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại và khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2) là khu bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội.

(Theo Tiền phong Online)