Loạt dự án hạ tầng tác động mạnh mẽ đến sự tăng giá của đất nền suốt từ Bắc đến Nam

17/12/2020 - 08:41
|

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông được xem là yếu tố quyết định tới giá trị của các sản phẩm BĐS. Trong năm 2020 vừa qua hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã tác động trực tiếp đến diễn biến thị trường BĐS tại nhiều đô thị từ Lạng Sơn, Hải Phòng. Bắc Ninh, Lâm Đồng...đến Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM.

1. Khởi động xây cao tốc Lạng Sơn đến Cao Bằng

Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8. Theo chủ trương đầu tư, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km.Dự án quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, tổng vốn đầu tư 20.930 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Sáng 3/10, UBND tỉnh Cao Bằng khởi công hai tuyến đường kết nối thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Hai đoạn đường Đoỏng Lẹng - thị trấn Đông Khê và Thuỵ Hùng - Vân Trình dài gần 10 km, nằm trên huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, là hai tiểu dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nối tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Ảnh vị trí

Theo đánh giá của giới chuyê gia, dự án Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư. Đặc biệt, đây là đòn bẩy đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, kết nối Lạng Sơn, Cao Bằng với các tỉnh biên giới, mở ra cơ hội đầu tư kinh tế, xuất khẩu, giao thương và đặc biệt là kết nối với thủ đô Hà Nội. Tuyến cao tốc cũng mở ra sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS đối với hai tỉnh miền núi này.

2. Bắc Ninh mở rộng diện tích đô thị Phố Mới và phụ cận

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phố Mới và phụ cận (đô thị Quế Võ), huyện Quế Võ đến năm 2040. Theo đó, tỉnh sẽ mở rộng phạm vi quy hoạch ra toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Quế Võ (thêm 3 xã Chi Lăng, Hán Quảng, Yên Giả) với tổng diện tích quy hoạch là 15.511 ha. Đô thị Phố Mới có diện tích khoảng 4.062 ha, cả đô thị Phố Mới và phụ cận có diện tích khoảng 13.145 ha.

Ảnh thực tế

Do nằm gần Thủ Đô lại liên tục được đầu tư về giao thông nên BĐS Bắc Ninh đã liên tục tăng giá trong thời gian vừa qua. Thời gian gần đây với việc mở rộng Đô thị Phố Mới và Quế Võ, nhà đầu tư đang có xu hướng đổ dồn vào hai khu vực này để tìm kiếm cơ hội.

3.  Hải Phòng trở thành thành phố đặc biệt và có thêm thành phố trong thành phố

Mục tiêu của đồ án là biến đô thị Phố Mới và phụ cận trở thành đô thị phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ cao, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội...

Tháng 9/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định 1412 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo. Thành phố cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt...Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Mức độ quan tâm 2 khu vực

Đặc biệt, tháng 11 vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên trên cơ sở nguyên trạng 261,86 km2 diện tích tự nhiên, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.

Những thông tin quy hoạch của Hải Phòng đã tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS nói đây khiến thị trường đất nền liên tục có những cơn sốt nóng từ năm 2019 trở lại đây. Đặc biệt, tại huyện Thủy Nguyên, giá đất không chỉ sốt ở các khu đô thị mới, khu dân cư gần trung tâm hành chính thành phố. Khu vực các xã Thủy Đường, Tân Dương, An Lư, Lâm Động, Hoàng Động, Hoa Động bất động sản cũng lên giá theo ngày.

4. Phê duyệt nghiên cứu khả thu tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Ban quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 67,3 km dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Đây là dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Mức độ quan tâm các khu vực

Cùng với việc xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, giới đầu tư đang kỳ vọng Bảo Lộc (Lâm Đồng) sẽ thay đổi khi dự án giao thông trọng điểm nhất là cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (Lâm Đồng) tổng chiều dài 200 km đi ngang qua Bảo Lộc được xúc tiến để sớm khởi công, cùng với đó là đề xuất sân bay Lộc Phát,  đường cao tốc Dầu Giây - Bảo Lộc - Liên Khương.

Tại Lâm Đồng mức độ quan tâm đất nền tăng đột biến lên đến 55% từ khi xuất hiện thông tin đề xuất xây tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc. Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ hay dòng người "bỏ phố về rừng" mà Bảo Lộc còn chào đón nhiều "ông lớn" của thị trường bất động sản đến đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn, phát triển các dự án thăm dò thị trường. Nhìn vào danh sách đầu tư ở địa phương này có thể thấy những cái tên lớn của ngành bất động sản như TTC, Hưng Thinh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú…

5. Khởi công cầu đường 6 làn xe nối Bình Dương - Tây Ninh

Ngày 12-10, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Tây Ninh khởi công xây dựng dự án cầu và đường kết nối giữa hai tỉnh. Theo đó, phía Bình Dương sẽ làm một cây cầu và đường dẫn với quy mô 6 làn xe băng ngang sông Sài Gòn, kết nối đường ĐT744 (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) và đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh).

Tổng mức đầu tư phía Bình Dương khoảng 370 tỉ đồng, dự kiến thi công trong vòng 15 tháng. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã khởi công xây dựng tuyến đường dài gần 13km kết nối Tây Ninh với cầu và đường dẫn mà tỉnh Bình Dương xây dựng. Tổng mức đầu tư dự án phía Tây Ninh 518 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Ảnh khởi công

Ông Dương Văn Thắng - phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết các dự án Tây Ninh và Bình Dương chung tay thực hiện sẽ tạo bước đột phá trong kết nối vùng, thúc đẩy phát triển không chỉ hai địa phương mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ. Khi các tuyến đường và cầu được hoàn thành, việc lưu thông giữa Tây Ninh và Bình Dương, cũng như kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) và nhiều dự án giao thông trọng điểm khác sẽ được rút ngắn khoảng cách, thuận lợi hơn.

Được biết, hiện nay sau một thời gian im lìm, thị trường đất nền tại Bình Dương và Tây Ninh đang có xu hướng tăng giá trở lại do tác động của hàng loạt dự án công trình giao thông kết nối đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng trong đó có dự án Cầu đường 6 làn xe nối Bình Dương - Tây Ninh.

6. Đồng loạt khởi công 13 dự án hạ tầng giao thông lớn tại TP.HCM

Tháng 5/2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã chính thức khởi công 13 dự án hạ tầng giao thông lớn tại TP.HCM. Tổng vốn đầu tư của những dự án này là hơn 3.500 tỷ đồng. Các công trình giao thông này đang tạo động lực cho BĐS khu vực phía Đông và phía Tây TPHCM phát triển.

Ảnh phối cảnh

Các công trình giao thông trọng điểm trong số 13 dự án này phải kể đến Dự án công trình cầu Mỹ Thủy 3 có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, công trình sẽ giảm tải cho khu vực ra vào cảng Cát Lái, quận 2. Dự án xa lộ Hà Nội có tổng mức đầu tư gần 440 tỷ đồng sẽ kết nối giao thông khi bến xe Miền Đông hoạt động; Dự án xây dựng hạ tầng 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) cũng được khởi công tạo diện mạo mới cho khu vực này....

Những dự án còn lại gồm: Xây cầu Kênh A và cầu Kênh B ở huyện Bình Chánh; nâng cấp đường Liên tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi; xây dựng cầu thép thay phà An Phú Đông nối quận 12 và quận Gò Vấp; xây dựng hệ thống hạ tầng khu vực kênh Nước Đen; nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2); xây hệ thống thoát nước Hương Lộ 11, huyện Bình Chánh; nâng cấp cải tạo đường Trần Văn Giàu quận Bình Tân; nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp; nâng cấp cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè; mở rộng đường Đồng Văn Cống, quận 2.

Theo Nhịp sống kinh tế