Phát triển đô thị Quảng Ninh theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 75-80%.
Theo sự chỉ đạo của tỉnh, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng, hoàn chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
Cụ thể, đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành và hoàn thành trước thời gian chương trình nâng cấp đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, hiện tỉnh Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí), 3 đô thị loại IV (Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn), 6 đô thị loại V (Tiên Yên, Cô Tô, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Quảng Hà). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 64,09% và là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, các đô thị còn có nhiều hạn chế như: Một số đô thị còn chưa đạt tiêu chí, tiêu chuẩn; mật độ dân số đô thị thấp, dân cư đô thị tập trung chủ yếu ở Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí; việc phát triển đô thị chưa hiện đại, đẳng cấp; hạ tầng kỹ thuật của các đô thị chưa được đầu tư đồng bộ; không gian kiến trúc cảnh quan chưa tạo được bản sắc và nét đặc trưng của đô thị…
Phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 theo hướng bảo vệ môi trường
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có quy mô dân số tối thiểu 1,5 triệu người, diện tích tự nhiên 1.500km2 trở lên, đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và sẽ có 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 7 thành phố và 5 huyện, thị xã.
Dựa trên mục tiêu này, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã đề xuất 2 phương án phát triển gồm: Phương án thứ nhất, xây dựng hệ thống chuỗi các đô thị để kết nối, động lực phát triển chung cho toàn tỉnh theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành. Phương án thứ hai, phát triển khu vực đô thị lõi tập trung, liên kết từ Đông sang Tây, cùng các định hướng thành lập các quận. Đồng thời, đề xuất danh mục nhóm dự án ưu tiên đầu tư và các giải pháp thực hiện.
Sở Xây dựng cũng cho biết, việc phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 dựa trên tinh thần khắc phục tồn tại của các đô thị hiện nay để phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị tỉnh Quảng Ninh trở thành vùng đô thị hiện đại, sinh thái; có nền kiến trúc khác biệt, đặc biệt, văn minh; nâng cao chất lượng đô thị gắn với các chiến lược phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư; phát triển nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, trở thành một trong những tỉnh phát triển KT-XH mạnh trong vùng.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng các điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu này.
Bí thư Tỉnh ủy cùng Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất lựa chọn phương án thứ nhất, phát triển các đô thị theo đơn vị hành chính cấp huyện đáp ứng tiêu chí đô thị loại I, theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành. Đây là phương án phù hợp với xu thế hiện nay khi tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy biên chế.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Các địa bàn có dự án giao thông động lực cần lưu ý các không gian đô thị, giữ các quỹ đất ở các tuyến đường giao thông để tạo ra các giá trị phát triển mới cho các địa phương. Có quy hoạch tốt, môi trường đầu tư tốt, hạ tầng giao thông động lực sẽ tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Theo Công Thương