Quảng Ninh trên hành trình kiến tạo đô thị mang tầm vóc quốc tế
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế… Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiệm vụ phát triển đô thị tiếp tục là một trong những đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn.
Những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị của Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện Quảng Ninh đã phát triển 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái), 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều); 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên, thị trấn Cái Rồng) và 5 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô, thị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ).
Cùng với đó, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch xây dựng, như quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch các chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng các vùng huyện. Hiện ở cấp huyện đã có 6/13 địa phương (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều) được lập quy hoạch chung; 2 địa phương đã lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch vùng huyện (Hải Hà, Đầm Hà); 2 địa phương đã lập quy hoạch chung thị trấn mở rộng (Tiên Yên, Cô Tô). Ở cấp xã, 100% thị trấn trong tỉnh cũng đã hoàn thành việc lập quy hoạch chung...
Trên cơ sở định hướng từ các quy hoạch, Quảng Ninh đã dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí, Uông Bí - Đông Triều; đường vào Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu công nghiệp Hải Hà... Tỉnh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc...
Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại, hướng tới đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ có bước phát triển đột phá thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 66%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/6/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển TP Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã tạo ra nguồn lực và động lực xây dựng, hoàn thiện, tạo bước phát triển đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố được mở rộng, phát triển theo hướng bền vững hơn với tầm nhìn dài hạn.
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá chung, các đô thị trên địa bàn vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trong đó một số đô thị chưa đạt tiêu chí, tiêu chuẩn; mật độ dân số đô thị thấp, dân cư đô thị tập trung chủ yếu ở Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí; việc phát triển đô thị chưa hiện đại, đẳng cấp; hạ tầng kỹ thuật của các đô thị chưa được đầu tư đồng bộ; không gian kiến trúc cảnh quan chưa tạo được bản sắc và nét đặc trưng của đô thị...
Từng bước khắc phục hạn chế, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu... hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
Trong chương trình sẽ cập nhật, bổ sung những tư tưởng, quan điểm, chủ trương mới nhất trong Báo cáo chính trị, Nghị quyết, chương trình hành động được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua và các ý kiến tham gia của Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ cùng các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Chương trình dự kiến sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng, như: Tập trung nâng cao chất lượng quản lý đô thị; quy hoạch; nâng cao năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước; thu hút dân số và đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hệ thống công trình hạ tầng đô thị; phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu...
Hiện tỉnh tiếp tục triển khai các bước lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên (khu vực phía Tây Nam Quốc lộ 18) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050...
Trên cơ sở định hướng từ các quy hoạch, tỉnh đã dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu giai đoạn 2020-2025, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt trên 75%; giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt 75-80%. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Với mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn cùng với nền tảng vững chắc từ các dự án khu đô thị đang trên đà phát triển, Quảng Ninh sẽ khẳng định được vị thế tốp thành phố đáng sống, hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa.
- Xem thêm chủ đề: Bất động sản Quảng Ninh
Theo House Viet Biên tập | Báo Quảng Ninh