Sẽ có hàng loạt tuyến cao tốc về ĐBSCL
Sau tuyến cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành trong năm 2020, Bộ GTVT sẽ tích cực triển khai tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ phấn đấu hoàn thành năm 2022.
Giao thông ĐBSCL được kỳ vọng sẽ được đầu tư cải thiện cả về đường bộ và đường sông trong tương lai không xa (Ảnh: Đình Tuyển)
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận đi ngang tỉnh Tiền Giang. Vừa qua Chính phủ đã bố trí 2.186 tỉ đồng, phần tiền này đang được UBND tỉnh Tiền Giang và các nhà đầu tư tiến hành giải ngân. Các nhà tín dụng cũng cam kết hỗ trợ 7.000 tỉ đồng, dự kiến tuyến đường này sẽ được làm suốt trong thời gian Tết Nguyên Đán. Ngoài ra Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng thêm hệ thống cảng biển.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ có nhiều dự án giao thông quan trọng được tập trung đầu tư cho ĐBSCL (Ảnh: Đình Tuyển)
Về đường bộ, Bộ GTVT dự kiến trình Chính phủ nâng cấp 1.000 km bằng thảm nhựa và hoàn thành một số đường cao tốc. Ưu tiên đầu tư các tuyến như: tuyến N2 kết nối từ Long An đến Kiên Giang, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Trung Lương đến Cà Mau, tuyến cao tốc trục ngang đoạn Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn An Hữu – Cao Lãnh, đoạn Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Trước mắt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuyến cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành trước 30.4.2021; tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ phấn đấu hoàn thành năm 2022.
Liên quan đến đầu tư cho ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: đây là vùng đất mới được hình thành nên nền đất yếu, xa trung tâm lớn như TP.HCM, chi phí đầu tư lớn, thu hút đầu tư nước ngoài chưa cao mặc dù nơi này chiếm vị trí quan trọng trong xuất khẩu nông nghiệp, đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế cả nước. Vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới là cần quy hoạch lại ĐBSCL, tổ chức lại không gian hợp lý đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nếu không quy hoạch lại trong quá trình phát triển sẽ bị cạnh tranh, mâu thuẫn,…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ có thêm nhiều nguồn lực tập trung cho hạ tầng giao thông, hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đảm bảo an ninh nguồn nước tại ĐBSCL (Ảnh: Đình Tuyển)
“Dự kiến quý 4 năm 2020, chúng tôi sẽ trình Chính phủ để có quy hoạch tốt và cơ chế điều phối liền kết vùng BĐSCL. Tuy nhiên, ngoài sự chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương sẽ phải tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chặt chẽ. "Về nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông để sản xuất, thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm trong giai đoạn tới 2 tỉ USD (tương đương 45.000 tỉ đồng), trong đó, giai đoạn 2021- 2025 sẽ đầu tư 1 tỉ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, số tiền trên dùng để đầu tư giao thông, các tuyến đường cao tốc, hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đảm bảo an ninh nguồn nước. Về sạt lở, bộ sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ, xác định rõ các điểm sạt lở nghiêm trọng cấp bách cần giải quyết sau đó sẽ trình Thủ tướng phương án sử dụng ngân sách dự phòng năm 2019 để làm sao giải quyết ngay thiệt hại cho người dân.
Theo Thanh niên