Tận dụng lợi thế đưa Củ Chi trở thành TP Củ Chi
Hôm nay 19-2, huyện Củ Chi (TPHCM) tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi”
Nếu xác định xây dựng Củ Chi trong tương lai tiến thẳng lên thành phố hiện đại, xanh, sáng tạo, nghĩa tình thì cần khẩn- trương lập nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện ngay, để tận dụng được lợi thế, thời cơ đưa Củ Chi vươn lên tầm cao mới, không để tụt hậu so với các tỉnh xung quanh và Campuchia.
Tập trung xây dựng quy hoạch mới
Huyện Củ Chi còn nhiều dư địa phát triển lâu dài, như còn quỹ đất đai lớn; mật độ dân số trung bình vào loại thấp, khoảng 1.200 người/km2. Huyện có vùng đất cao, thuận lợi cho xây dựng đô thị hiện đại, không bị sụt lún, thoát nước dễ dàng. Huyện Củ Chi cũng có giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường thủy và là cửa ngõ của TPHCM, tiếp giáp với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương. Có thể xem huyện Củ Chi là trung tâm, hạt nhân của 4 tỉnh, thành này, từ đó tận dụng được lợi thế kết nối giao thông với các địa phương và có đường bộ qua Tây Ninh đến Campuchia, Thái Lan.
Huyện Củ Chi được định hướng phát triển trở thành thành phố (hoặc quận) thuộc TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040-2050 với các tiêu chí TP Củ Chi hiện đại, xanh, sáng tạo, nghĩa tình. Trong đó, tiêu chí “nghĩa tình” gắn với truyền thống cách mạng đất thép thành đồng, tình nghĩa, gắn bó với lịch sử hào hùng và sự hy sinh của các thế hệ. Từ đó, quan điểm phát triển huyện Củ Chi là xây dựng và phát triển tiến thẳng lên hiện đại, đi tắt đón đầu; vì hiện nay các nước xung quanh phát triển rất nhanh, nếu chậm chân là thua xa, tụt hậu ngay. Huyện Củ Chi chấp nhận bỏ qua, không phát triển tuần tự từng bước mà cần định hướng lại, tiến lên hiện đại, văn minh.
Về quy hoạch chung và không gian phát triển, Củ Chi là trung tâm, hạt nhân giữa TPHCM - Long An - Bình Dương - Tây Ninh (nối qua Campuchia và Thái Lan), quy hoạch không gian dựa trên các trục đường bộ cao tốc hiện đại và đường thủy. Thứ nhất, trục quốc lộ 22 - Xuyên Á và cao tốc TPHCM - Mộc Bài - Tây Ninh - Campuchia. Thứ hai, trục dọc đường Vành đai 4 và tỉnh lộ 7, 8. Thứ ba, dọc ven sông Sài Gòn phát triển các khu du lịch cao cấp, ven sông như du lịch sinh thái, du lịch thể thao dưới nước, du lịch gắn với lịch sử tâm linh (gắn với Đền Bến Dược - Củ Chi, địa đạo Củ Chi)…
Quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy có trục quốc lộ 22 mở rộng, trục cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường Vành đai 4, tỉnh lộ 7 và 8. Ngoài ra, ven sông Sài Gòn cắm mốc chỉ giới mở rộng thêm ven sông từ 100m-500m (tùy theo khu vực) để giữ quỹ đất phát triển các khu du lịch, khu sinh thái, khu an dưỡng, các khu chức năng khác sau này; cần triển khai ngay trong năm 2022. Bên cạnh đó, các quy hoạch cũ về sản xuất nông nghiệp, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, các khu công nghiệp… tạm ngưng không thực hiện nữa để tập trung xây dựng quy hoạch mới.
Không để mất thời cơ và tụt hậu
Về cơ cấu kinh tế và quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực, TP Củ Chi sẽ phát triển dịch vụ cao cấp, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao và cần được quy hoạch phát triển ngành lĩnh vực theo các hướng cơ bản. Cụ thể, về giáo dục - đào tạo, hình thành Khu Đại học Quốc gia TPHCM 2 (tại xã Tân An Hội), viện nghiên cứu, viện công nghệ, phòng thí nghiệm quốc gia và TPHCM chuyên các ngành kỹ thuật, công nghệ cao. Về y tế, cần phát triển các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên sâu cao cấp (dọc theo quốc lộ 22 nối với Bệnh viện đa khoa Xuyên Á), viện dưỡng lão, an dưỡng.
Về du lịch - văn hóa, huyện Củ Chi cần hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch thể thao dưới nước, du lịch cảnh quan nhà vườn dọc theo sông Sài Gòn và kênh Xáng, kênh An Hạ, kênh Thầy Cai; các khu du lịch cao cấp, du lịch truyền thống, lịch sử, tâm linh như khu Thảo cầm viên Sài Gòn Safari, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Hình thành các khu vui chơi giải trí cao cấp như Disneyland - Tân Phú Trung (từ cầu An Hạ dọc quốc lộ 22 đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á).
Ngoài ra, huyện Củ Chi phát triển công nghệ cao cấp; nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh học, sinh thái như: Khu Công nghệ cao số 2 (mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, không phát triển công nghiệp truyền thống mà dành toàn bộ quỹ đất để phát triển công nghệ cao); khu Công viên phần mềm số 2 (nối với khu Đại học Quốc gia TPHCM 2) ở xã Tân An Hội - tỉnh lộ 8 và dọc quốc lộ 22 phía trái nối với xã Phước Hiệp. Dọc theo sông Sài Gòn hình thành các cụm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mới (Israel), công nghệ sinh học, các nhà vườn, trang trại nông nghiệp cao cấp...
Như vậy, trên cơ sở mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển nêu trên để xây dựng TP Củ Chi trong tương lai tiến thẳng lên hiện đại (là thành phố hiện đại, xanh, sáng tạo, nghĩa tình), đây là bộ khung cơ bản, nội dung cốt lõi, khái quát ban đầu. Trên cơ sở đó, nếu lãnh đạo các cấp đồng thuận sẽ thành lập nhóm nghiên cứu đề tài gồm các chuyên gia, ngành chức năng, xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, phân tổ nghiên cứu từng lĩnh vực, phân kỳ và giai đoạn thông qua.
Vì thời gian cần thực hiện nhanh, đồng bộ trước năm 2025 nên theo tôi, cần khẩn trương, cấp bách thành lập ngay các nhóm, tổ công tác nghiên cứu trong đầu năm 2022 mới kịp triển khai thực hiện ngay, đi tắt đón đầu để TP Củ Chi vươn lên tầm cao mới, tận dụng được lợi thế so sánh hiện có, không để mất thời cơ và tụt hậu so với các tỉnh xung quanh và Campuchia.
PGS-TS TRƯƠNG THỊ HIỀN, Nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM