Thành phố Hồ Chí Minh: Định hình đô thị đa trung tâm

18/11/2019 - 12:14
|

(HNM) - Phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đa cực, đa trung tâm được xem là mô hình phù hợp với tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa hiện nay. Vì thế, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch theo mô hình trên để tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thành phố Hồ Chí Minh: Định hình đô thị đa trung tâm

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm để đáp ứng yêu cầu của “đại đô thị”.

Trung tâm hiện hữu đang “nén”

Anh Phạm Thành Tuân (ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cho biết, quãng đường đi từ quận Thủ Đức vào trung tâm quận 1 khoảng 15km, nhưng do ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên tuyến đường Xa lộ Hà Nội khiến thời gian di chuyển lâu hơn. “Mỗi ngày tôi phải mất gần 2 giờ để đến chỗ làm và về nhà trên tổng chiều dài đường đi khoảng 30km. Đây là bất tiện rất lớn đối với tôi...”, anh Tuân chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ cấu trúc đô thị đơn cực, với trung tâm thành phố thuộc quận 1, quận 3, quận 5, dần lan tỏa sang quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 4, Tân Bình… Hiện nay, khu trung tâm hiện hữu (diện tích 930ha) đang quá tải cả về dân số và hạ tầng kỹ thuật.

Chỉ riêng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn thuộc quận Bình Thạnh) - cửa ngõ vào trung tâm quận 1 - đã phải “gánh” hơn 17.000 căn hộ chung cư, khiến tuyến đường này thường xuyên kẹt xe. Hay tại tuyến đường Bến Vân Đồn (quận 4), chiều dài chưa tới 3km nhưng có tới hơn 10 chung cư cao tầng. Trước đây, tuyến đường này không xảy ra kẹt xe nhưng giờ đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn ứ.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hiện trong bán kính 15km tính từ lõi trung tâm quận 1, hầu hết trục đường dẫn vào đây đều quá tải. Tuyến đường Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng nối khu Đông vào trung tâm thường xuyên ách tắc trong giờ cao điểm. Còn đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Tất Thành nối khu Nam vào trung tâm ùn ứ ngay cả khung giờ thấp điểm.

Kiến trúc sư Nguyễn Mai Anh (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, có hai lý do để thành phố Hồ Chí Minh giảm mật độ dân số tại khu trung tâm hiện hữu. Thứ nhất, năng lực của cơ sở hạ tầng hiện đã yếu kém và khó phát triển. Thứ hai, có quá nhiều phương tiện lưu thông vào trung tâm sẽ gây gánh nặng trong vấn đề bảo vệ môi trường. Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, phát triển đô thị đa trung tâm là xu hướng tất yếu, đã đến lúc thành phố Hồ Chí Minh xây dựng theo mô hình này.

Xây dựng mô hình đa trung tâm

Theo mô hình chính quyền đô thị mà Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND thành phố về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm, sẽ thành lập thành phố (thuộc thành phố Hồ Chí Minh) ở phía Đông, trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị hành chính thuộc Khu đô thị sáng tạo phía Đông (gồm quận 2, 9, Thủ Đức).

Ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, khu vực này có một số đặc thù, như ở quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm tài chính, ở quận 9 có khu công nghệ cao, hay quận Thủ Đức có Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đang tham mưu cho UBND thành phố lựa chọn đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo đó, thành phố sẽ phát triển theo mô hình “đa cực” - tức có nhiều trung tâm. Khu trung tâm hiện hữu sẽ cải tạo lại và phát triển không gian ngầm quanh khu vực các nhà ga Metro thành các trung tâm thương mại, tiện ích gắn với phương tiện giao thông công cộng.

Đối với các trung tâm xây dựng mới, thành phố sẽ phát triển theo 4 hướng. Phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) được phát triển dọc theo hành lang cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các khu đô thị mới dọc Xa lộ Hà Nội, điểm nhấn là Khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Phía Nam (quận 7, huyện Nhà Bè), thành phố dựa vào địa hình nhiều sông, rạch để phát triển hạ tầng kỹ thuật, phục vụ tiêu thoát nước.

Phía Tây Bắc (quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi) có quỹ đất và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phía Tây Nam (quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng phòng Quản lý quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, mô hình trên có thể giải quyết các bất cập trong hạ tầng kỹ thuật, xã hội (ngập nước, kẹt xe, không gian công cộng) và thích hợp với đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phát triển đô thị đa trung tâm theo đúng nghĩa phải có trung tâm lớn, trung tâm nhỏ. Hiện thành phố Hồ Chí Minh đã có trung tâm lớn là trung tâm hiện hữu, việc còn lại xây dựng các trung tâm nhỏ theo các hướng khác nhau để kéo giãn mật độ dân số nội thành.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang tập trung nguồn lực cả về cơ chế và tài chính để xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mục tiêu là xây dựng một trung tâm mới, hoàn chỉnh, hướng đến chức năng dịch vụ tài chính, thương mại để thu hút các tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư, tạo đòn bẩy để đưa thành phố bứt phá. Đây sẽ là một trung tâm mang tính hình mẫu để thành phố hướng đến mô hình đa cực.

Theo Báo Hà Nội mới