Thủ tướng ủng hộ việc TP.HCM lập thành phố phía Đông

11/05/2020 - 09:24
|

Tại buổi làm việc với Thủ tướng sáng 8/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức như quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo lãnh đạo TP.HCM, trung tâm động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của TP.HCM là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, tích hợp ba lợi thế của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Trong đó, lợi thế của quận 9 là khu công nghệ cao, Thủ Đức là đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học gồm trên 100.000 sinh viên, còn quận 2 là trung tâm tài chính.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông rộng hơn 21.000ha với khoảng 1 triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GDP của TP.HCM, nghĩa là bằng 4-5% GDP của cả nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiên Nhân cho biết hiện nhu cầu bức thiết là sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố phía Đông thuộc TP.HCM. Nếu thành lập được thì đây là "quả đấm" kinh tế và GDP bằng nhiều tỉnh thành khác cộng lại.

TP.HCM cũng đã xây dựng đề án TP.HCM phía đông (thuộc TP.HCM) trên cơ sở sáp nhập quận 2 , quận 9 và quận Thủ Đức. Theo dự kiến, sau khi được thành lập, TP.HCM phía đông của TP.HCM sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211 km2. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của TP.HCM phía đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.

Thủ tướng ủng hộ việc TP.HCM lập thành phố phía Đông

Trước đó, theo ý tưởng đạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM, khu này sẽ có 6 chức năng.

Đó là việc xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ - tài chính quốc tế; hình thành trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; phát triển trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; hình thành trung tâm công nghệ giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM; hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ (biến khu cảng hiện hữu thành một khu đô thị mới).

Để triển khai ý tưởng này, Công ty Sasaki (đơn vị đạt giải nhất) đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án. Ngoài ra, ba quận trong khu vực (quận 2, 9 và Thủ Đức) cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, hồi cuối tháng 4/2020, UBND TP.HCM có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố tại quận 2, 9 và Thủ Đức. Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...

Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tăng cường cải cách hành chánh, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp giữa 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức). Nhiệm vụ nữa là nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố lớn của nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu đô thị, hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính thành phố phía Đông.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập 3 quận phía Đông của TP.HCM. "Còn tên gọi là gì sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp", Thủ tướng nói và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP.HCM thực hiện.

Theo Báo Tổ Quốc