TP.HCM đề xuất ưu tiên đầu tư 2 tuyến đường sắt hơn 200.000 tỷ
Với tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ, hai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và Thủ Thiêm - Long Thành được kỳ vọng sẽ kết nối TP.HCM với miền Tây, sân bay Long Thành trong tương lai.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi UBND thành phố về việc triển khai quy hoạch hệ thống đường sắt kết nối vùng TP.HCM.
Theo Sở GTVT TP.HCM, nhiều năm qua, mô hình TOD (Transit Oriented Development) - chiến lược phát triển tích hợp đô thị với hệ thống giao thông công cộng, trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế kiến trúc, quy hoạch đô thị ở các nước phát triển.
Để đảm bảo tính đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND thành phố đề xuất Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt liên kết vùng TP.HCM.
Đơn vị này cũng tham mưu UBND TP.HCM đề xuất Bộ GTVT làm việc với TP.HCM và các địa phương trong quá trình lập quy hoạch liên quan kỹ thuật, chuyên ngành đường sắt. Quá trình làm việc chú trọng xác định hướng tuyến, vị trí nhà ga gắn với phát triển đô thị TOD; sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến đường sắt đi qua.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam, TP.HCM có 5 tuyến đường sắt kết nối với các địa phương khác như: Đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP.HCM; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh; đường sắt TP.HCM - Tây Ninh; đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Trong đó, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030 với kinh phí khoảng 7 tỷ USD (163.800 tỷ đồng). Điểm đầu tuyến tại ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối tại ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/h cho tàu khách và 120 km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ lên TP.HCM sẽ được rút ngắn chỉ còn 75-80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3-4 giờ như hiện nay.
Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 37,5 km với điểm đầu tại Ga Thủ Thiêm, TP Thủ Đức và điểm cuối tại sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư dự kiến 40.566 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Bộ GTVT xác định đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành là một trong những dự án động lực nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với sân bay Long Thành. Bộ đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 để triển khai nghiên cứu. Sau đó, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã gửi thư cho Bộ GTVT bày tỏ mong muốn tham gia khâu lập báo tiền khả thi và đầu tư dự án này.
Tổng hợp | Zing