Cận cảnh dự án lấn biển Cần Giờ sau 13 năm bất động
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ vẫn trong trạng thái im lìm, hoang vắng kể từ ngày khởi công năm 2007.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) tại huyện Cần Giờ, TP.HCM có quy mô 2.870 ha, do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ (CTC) làm chủ đầu tư. CTC là công ty con của Tập đoàn Vingroup, trong đó Vingroup sở hữu hơn 97% cổ phần.
Saigon Sunbay mới được phê duyệt mở rộng quy mô, tăng gấp gần 5 lần diện tích ban đầu (600 ha). Dự án thuộc địa phận xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, cách trung tâm TP khoảng 50 km. Cụ thể, diện tích đất xây dựng cho các khu chức năng là 1.998 ha, diện tích mặt nước biển nhân tạo kênh dẫn 872 ha.
Dự án được khởi công năm 2007, nhưng ngay sau đó rơi vào tính trạng án binh bất động kéo dài do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính. Đến tháng 6/2015, TP.HCM đồng ý cho Vingroup góp vốn điều lệ, tăng thêm chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án. Sau đó, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ lên 32.561 tỷ đồng.
Để thực hiện khu lấn biển, dự kiến cần đến 133 triệu khối cát và 2,5 triệu khối đá hộc các loại để xây dựng hệ thống kè bờ biển dài 21 km.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 908 ha, giai đoạn 2 đang được thực hiện với tổng diện tích được hỗ trợ dự kiến trên 1.577 ha. Hiện tại, CTC đã san lấp được 15,5 ha.
Dự án đã triển khai được một diện tích lấn biển rộng khoảng 1 km2 với bờ kè bằng bê tông và đá hộc. Tuy nhiên, theo ghi nhận hiện không có dấu hiệu thi công ở khu vực.
Một phần của dự án Saigon Sunbay là đường bờ biển kéo dài từ xã Long Hòa đến thị trấn Cần Thạnh. Tổng vốn đầu tư của Saigon Sunbay là hơn 217.000 tỷ đồng.
Đến nay, con đường chính dẫn đến cổng vào dự án là đường Thạnh Thới, từ nút giao với trục đường Duyên Hải đến đoạn giao với tuyến đường ven biển Phan Đức. Tuy nhiên, dự kiến chủ đầu tư mở thêm đường mới làm đường chính dẫn vào dự án. Trước mặt dự án là khu nghỉ dưỡng Cần Giờ Resort vẫn đang hoạt động.
Cổng chào có biển quảng cáo của dự án Saigon Sunbay, chủ đầu tư và phối cảnh. Tuy nhiên theo thời gian bảng thông tin này đã hư hỏng. Cổng sắt ra vào, máy móc cũng đã han gỉ theo thời gian.
Chủ đầu tư cũng đã cho xây một bức tường bê tông và tôn cao 2 m chắn ngang trước bãi biển 30/4, kéo dài khoảng gần 1 km, che khuất toàn bộ tầm nhìn dọc bờ biển. Không ít hộ kinh doanh trong khu vực đã phải ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dự án.
Trước bãi biển 30/4 vẫn còn một số cơ sở kinh doanh được dựng lên tạm bợ của người dân để phục vụ du khách đến vui chơi, tắm biển trong những ngày nghỉ hoặc dịp lễ. Tuy nhiên, khu vực này có nhiều rác thải của khách du lịch bỏ lại, ngoài ra nhiều hộ dân lân cận còn cho thả gia súc gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến cảnh quan chung.
Mặc dù nước biển đục và cảnh quan kém hấp dẫn, bãi biển 30/4 tại Cần Giờ vẫn là điểm đến quen thuộc của người dân TP.HCM trong những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ.
Nằm cách trung tâm TP.HCM chỉ khoảng 1,5 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe và chỉ cách Vũng Tàu khoảng 15 km đường biển, biển Cần Giờ được người dân lựa chọn do phù hợp với những chuyến đi dã ngoại trong ngày.
Tại thị trấn Cần Thạnh, dự án bến phà Cần Giờ - Vũng Tàu cũng mới được khởi công vào tháng 5 vừa qua do Công ty TNHH MTV Quốc Khánh làm chủ đầu tư. Dự kiến công trình hoàn thành và hoạt động vào dịp lễ 2/9 tới đây.
Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu có cự ly khoảng 15 km, xuất phát từ bến Tắc Suất (Cần Giờ) đến TP Vũng Tàu, thời gian hành trình khoảng 30 phút.
Theo Quỳnh Danh - Hà Bùi / Zingnews