"Săn" nhà mặt tiền phố cổ
Mỗi lô đất mặt tiền phố cổ đang được rao bán giá trên 1 tỷ đồng/m2, trong khi đó tại khung giá đất đang được UBND TP Hà Nội áp dụng chưa đến 200 triệu đồng.
Những ngôi nhà mặt tiền rộng nằm trong khu phố cổ luôn có giá cao ngất ngưởng
Từ lâu, giá nhà mặt đường tại khu vực phố cổ Hà Nội, đặc biệt là khu đất xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm luôn được mệnh danh là khu đất “kim cương” của Việt Nam với mức giá bán ngang hàng với các thành phố nổi tiếng trên thế giới như Paris, Toyko, Osaka hay New York...
Nhà đầu tư ưa chuộng
Theo lời anh Lê Ngọc Khánh - chuyên viên tư vấn bất động sản khu vực phố cổ, một số tuyến phố “kim cương” như Hàng Ngang - Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, có thời điểm giá nhà đất được đẩy lên tới 1,2 tỷ đồng/m2. Các tuyến phố khác trong phố cổ Hà Nội có giá dao động từ 500 - 800 triệu đồng/m2.
Anh Thái - chính chủ đang rao bán một ngôi nhà 3 tầng trên phố Hàng Trống mặt tiền 5,8m, tổng diện tích 130m2 với mức giá 162 tỷ đồng, tương đương 1,25 tỷ đồng/m2. Cách đó không xa, nhà 3m mặt phố Hàng Bông được rao bán 750 triệu đồng/m2, hoặc tại phố Cầu Gỗ nhà xây mới với mặt tiền 8m, sâu 25m được rao bán tới 1,4 tỷ đồng/m2.
Ông Lê Văn Hà - Giám đốc Sàn Vietstarland, chuyên môi giới nhà đất khu vực phố cổ cho rằng, mặt bằng ở những vị trí phố đẹp trong phố cổ rất hiếm do đó nếu xuất hiện một căn có nhu cầu bán thì rất nhiều khách hàng hỏi mua nên giá giao dịch dễ bị đẩy lên cao. "Có khu vực, những lô tương đương nhưng so với thời điểm cách đây 2 năm giá tăng cả trăm triệu đồng mỗi m2", ông cho hay.
Nguyên nhân được vị giám đốc sàn đưa ra là do những loại bất động sản ở khu vực này đang được nhà đầu tư ưa chuộng và bán được giá nhất là khách sạn bởi hiện nay xin giấy phép với công trình mới rất khó khăn. Còn một số ít nhà đầu tư khác mua nhà mặt phố cổ để cho thuê hoặc đầu tư lướt sóng.
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn bất động sản cho khách hàng khu vực phố cổ, anh Khánh cho biết mặc dù giá giao dịch khu phố cổ luôn ở ngưỡng cao nhưng càng ở các khu phố chính và mặt tiền càng rộng sẽ luôn thu hút các nhà đầu tư có tiền, do đó mức giá sàn lại càng được đẩy cao hơn nữa.
Tuy nhiên, anh Khánh cũng cho biết trên thị trường hiện nay đang có hai đối tượng rao giá. Một là những người rao giá để bán, tức là khá sát với thực tế và có thể giao dịch được; bên cạnh đó cũng có một số người rao bán chỉ để thăm dò và phải mất khoảng vài tháng đến một năm mới quyết định hạ giá bán. Hơn nữa, do số tiền giao dịch quá lớn nên cả bên mua và bên bán đều có tâm lý thận trọng, do vậy, mặc dù thông tin rao bán khá nhiều nhưng tỉ lệ thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khu đất xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm luôn được mệnh danh là khu đất “kim cương” của Việt Nam
Không chỉ giá bán cao, giá cho thuê nhà mặt đường phố cổ cũng rất cao, thậm chí có thể lên tới 1.000 USD/m2 tại các khu đất vàng như Hàng Ngang - Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, một số tuyến phố khác trong khu vực này tuy có rẻ hơn nhưng vẫn rất đắt đỏ. Đơn cử, một căn nhà trên phố Hàng Nón, chỉ rộng 12m2 với 1,5m mặt tiền, chủ nhân ngôi nhà không ngần ngại ra giá 22 triệu đồng/tháng, đóng theo quý hoặc 6 tháng/lần.
Anh Thái chủ sở hữu ngôi nhà trên phố Hàng Trống cho biết thêm, hiện gia đình đang kinh doanh một nửa và một nửa cho thuê lại với mức giá 5.000 USD/tháng. Theo chủ nhà, mức giá đang cho thuê cũng như mức giá bán nhà anh đưa ra đã dựa trên ý kiến tham khảo dân trong nghề và giá nhà đất trong khu phố cổ.
Chênh gấp 5 lần khung giá quy định
Theo kết quả khảo sát mức giá giao dịch nhà đất và và giá giao dịch thành công của các tuyến phố và quận, huyện tại Hà Nội vừa được một công ty có trụ sở tại Hà Nội đưa ra cho thấy sự chênh lệch giá trị thực tế so với mức giá theo quy định của Nhà nước quá lớn.
Cụ thể, theo mức giá thương lượng và tỷ lệ giao dịch thành công đất tại Hà Nội, trong nhóm 10 tuyến đường có giá đất dẫn đầu Thủ đô thì 9 tuyến đường thuộc quận Hoàn Kiếm, mức giá giao dịch cao nhất là 1,25 tỷ đồng/m2, mức giá thấp nhất là gần 600 triệu đồng/m2. Hàng Trống và Hàng Hành (quận Hoàn Kiếm) là 2 phố có giá đất thương lượng cao nhất lên đến 1,25 tỷ đồng/m2, mức giá giao dịch thành công khoảng 975 triệu đồng/m2.
Còn theo bảng giá đất trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015-2019 được quy định dựa trên Quyết định số 96 năm 2014 của UBND TP. Hà Nội thì giá đất tại các tuyến đường “kim cương” có giá chưa đến 200 triệu đồng.
Nói về khung giá đất, các đơn vị môi giới đều nhận định cả bên mua và bán đều thấy mừng vì giá chuyển nhượng lớn trong khi khung giá thấp hơn thực tế nên số thuế phải nộp sẽ giảm đáng kể.
Lãnh đạo Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận khung giá đất chưa bao giờ theo kịp được diễn biến thực tế và tồn tại nhiều bất cập. Bảng giá đất hàng năm của các địa phương ban hành thường chỉ bằng 20-60% giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Để khắc phục những bất cập đó, vị này cho rằng nên có nhiều bảng giá đất cho nhiều mục đích khác nhau, đồng thời thường xuyên điều chỉnh hơn vì nếu cứ áp dụng theo chu kỳ 5 năm một lần là quá dài.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp