5 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020

04/01/2021 - 08:28
|

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 có nhiều khoảng trầm do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn ghi nhận điểm sáng khi bất động sản công nghiệp thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cùng Houseviet.vn điểm lại 5 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020.

Dự án “ma”, sốt đất ảo náo loạn thị trường

Từ đầu năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam liên tục nóng sốt bởi những cơn sốt đất sau thông tin về việc đầu tư của các tập đoàn lớn với dự án hàng trăm hecta. Cò đất lợi dụng thông tin mập mờ, liên tục đẩy giá, tạo sự hỗn loạn để trục lợi.

Sốt đất nền Bình Ba
Cơn sốt đất nền tại Bình Ba khiến chính quyền phải đặt bảng cảnh báo người dân.

Đầu tiên là cơn sốt đất nền ở Bình Ba, huyền Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào giữa tháng 2/2020. Người dân khu vực này cho biết, giá đất khu vực này được thổi lên 200 – 300 triệu đồng/m ngang, thậm chí nhiều khu đất còn được định giá lên đến 500 triệu/m ngang, mặc dù trước đó cao nhất chỉ 100 triệu đồng/m ngang.

Sau đó là sốt đất tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Dù mới chỉ là thông tin đề xuất của doanh nghiệp, nhiều môi giới, nhà đầu tư ùn ùn kéo đến, cò đất đua nhau thổi giá lên gấp 2, thậm chí là 3 lần. Được biết, giá đất khu đất này trước đây chỉ có 4 - 8 triệu/m2 không ai mua nhưng chỉ vài ngày sau đã bị “làm giá” lên đến 12 - 15 triệu, thậm chí 18 - 21 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, những cơn sốt chóng vánh này nhanh chóng bị chính quyền, công an dựng bảng cảnh báo, có đất, môi giới thi nhau tháo chạy, giá đất cũng theo đó hạ nhiệt.

Nhiều vụ lừa đảo, mua bán đất nền bị phanh phui

Bên cạnh cơn sốt đất chóng vánh trên, trong năm qua liên tục nhiều vụ lừa đảo mua bán nền bị phanh phui, bắt giam loạt chủ doanh nghiệp lừa đảo.

Những công ty này không được cấp phép đầu tư, hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng cách ký giấy đặt cọc, hợp đồng hợp tác rồi tự vẽ sơ đồ phân lô, bán nền cho nhiều người với cam kết lợi nhuận cao. Số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ảnh

Hàng loạt sếp lớn công ty bất động sản bị khởi tố, bắt tạm giam như Trương Tuấn Em Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Eagle Land; Hoàng Mạnh Cường Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia; Huỳnh Thị Hạnh Phúc Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng địa ốc Thiên Ân Phát; Nguyễn Thị Diệu Thúy Giám đốc Công ty Tiên Phong Land; nhiều lãnh đạo của Công ty Đầu tư và Xây dựng bất động sản Hưng Thịnh do có liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường….

Nhà phố cho thuê, mặt bằng bán lẻ lao đao vì dịch

Sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội Việt Nam từ đầu năm 2020.

Sau các đợt tấn công của dịch bệnh, bắt đầu từ tháng 2, tiếp sau đó là tháng 4 và cuối tháng 7, thị trường bán lẻ tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi doanh số giảm mạnh. Nhiều tuyến phố với các cửa hàng kinh doanh luôn tấp nập phải đối mặt với tình trạng ế ẩm, khách thuê trả mặt bằng. Đại dịch đã khiến một số nhà bán lẻ, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm phải chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển địa điểm thuê.

2020 là một năm khủng hoảng của nhà phố cho thuê

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong quý 3/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 0,1% theo năm, so với mức -12% trong quý 2 do những tác động của dịch bệnh Covid-19. Đến tháng 9/2020, tổng doanh thu ngành này giảm xuống còn 40 tỉ USD, giảm 2% theo năm.

Khách thuê thuộc ngành hàng F&B và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Savills dự báo xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Bất động sản công nghiệp lên ngôi

Năm 2020 ghi nhận sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo của Savills, kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, nhưng hoạt động của lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam lại có xu hướng được mở rộng hoặc dịch chuyển địa điểm sản xuất.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng qua các năm, các đại gia ngoại liên tục rót vốn vào các khu công nghiệp, tạo nền tảng để bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển.

Trong khủng hoảng vì dịch, bất động sản công nghiệp VN lại có sự tăng trưởng vượt bậc.

Chỉ tính 20 giao dịch nổi bật trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư đã rót hơn 1,5 tỉ USD vào bất động sản công nghiệp. Phần lớn các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc. Các nhà đầu tư đến từ Hong Kong đầu tư khoảng 694 triệu USD. Điển hình như công ty Jinyu Tire Co., Ltd đầu tư 300 triệu USD vào dự án sản xuất các sản phẩm từ cao su tại khu công nghiệp Phước Đông, Tây Ninh. Hay Công ty TNHH Texhong Knitting đầu tư 214 triệu USD vào khu công nghiệp Hải Hà, Quảng Ninh.

Một số dự án khác của các nhà đầu tư Hong Kong nằm tại khu công nghiệp Văn Trung (Bắc Giang), An Dương (Hải Phòng), Phước Đông (Tây Ninh), Bàu Xéo (Đồng Nai), Mỹ Phước 3 (Bình Dương) và Mộc Bài (Tây Ninh).

Trong khi đó, ở phía các nhà đầu tư Trung Quốc, Universal Scientific Technology đầu tư 200 triệu USD vào khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng); Công ty CP Powerway Alloy Materials đầu tư 50 triệu USD vào KCN Hòa Phú (Bắc Giang). Hai doanh nghiệp khác đầu tư vào khu mở rộng Nam Tân Uyên (Bình Dương) và khu công nghiệp Châu Đức Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng cộng bốn dự án thuộc nhà đầu tư Trung Quốc có giá trị giao dịch hơn 300 triệu USD.

Các nhà đầu tư Đài Loan đầu tư vào hai khu công nghiệp phía Bắc là Đồng Văn 3 (Hà Nam) và Đông Mai (Quảng Ninh). Giá trị các thương vụ này đạt hơn 380 triệu USD.

Thành lập Thành phố Thủ Đức, thành phố Phú Quốc

Tháng 12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức (thuộc TP.HCM) và thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).

Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức rộng trên 211 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn một triệu người.

Thông tin về lập Thành phố Thủ Đức đã tác động lớn đến thị trường bất động sản TP.HCM, khiến giá đất khu vực quận 2, quận 9, Thủ Đức liên tục tăng với mức 20% - 40% trong chưa đầy 1 năm.

Thành phố Thủ Đức được thành lập

Như tại phường Trường Thọ (quận Thủ Đức), nơi được quy hoạch làm trung tâm thành phố mới Thủ Đức, giá đất mặt đường đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, dao động từ 70 - 120 triệu đồng/m2, tăng 20% so với 4 tháng trước và tăng gần 40% so với cuối năm 2019. Các khu vực khác tại quận 9 và quận Thủ Đức cũng tăng 20%, dao động từ 30 triệu - 70 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại quận 2, nhiều vị trí tại các phường An Phú, An Khánh và phường Thạch Mỹ Lợi, đã thiết lập “đỉnh” giá lên tới 140 triệu đồng/m2, tăng 30 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2019.

Tuy nhiên, theo nhiều môi giới khu vực này, mức tăng hiện nay ở khu Đông TP.HCM mới chỉ dừng lại ở mức rao bán, không phải mức giá sau giao dịch. Do đa số hiện nay nhiều người có tâm lý giữ hàng vì tin rằng giá bán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo như dự báo của CBRE, từ năm 2020 – 2025 khu Đông vẫn là khu vực quyết định trọng điểm các sản phẩm, đặc biệt là mảng căn hộ, trong đó có cả sản phẩm cao cấp và hạng sang. Nếu như thống kê từ năm 2015 thì khu Đông chỉ có khoảng hơn 55.000 căn hộ chiếm khoảng 34% nguồn cung trên tổng số nguồn cung TP.HCM. Dự báo đến năm 2025 thì nguồn cung của khu vực này dự báo khoảng 200.000 căn chiếm khoảng 44% tổng nguồn cung của thị trường.

Về Thành phố Phú Quốc, được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc hiện nay, trở thành thành phố đảo đầu tiên ở Việt Nam.

Khi lên thành phố, Phú Quốc lập mới phường Dương Đông theo diện tích và dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông; lập phường An Thới theo diện tích, dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm cộng với diện tích, dân số 37.485 người của thị trấn An Thới.

Theo Cafeland