Bất động sản Bình Thuận đứng trước cơ hội bứt phá

12/04/2019 - 02:05
|

Sở hữu bờ biển đẹp, hạ tầng dần hoàn thiện, Bình Thuận đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn bất động sản ra khỏi các đô thị lớn.

Du lịch thoát khỏi tình trạng "ngủ đông"

Sở hữu bờ biển thuộc top đẹp nhất Đông Nam Á dài 200km và cách TP HCM hơn 200km, Bình Thuận có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang kiến trúc độc đáo... Cùng với đó là môi trường trong lạnh, nhiều nắng gió, ít mưa bão, nhiệt độ ổn định, thu hút khách du lịch cả bốn mùa. Đây cũng là địa phương xuất hiện một trong những resort đầu tiên trên cả nước vào năm 2005.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, năm 2018 địa phương đón gần 5,8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 12,08% so với năm 2017. Trong đó có 675.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 12.851 tỷ đồng. Với con số này, Bình Thuận vào top tỉnh, thành phố biển hút khách nhất năm 2018.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 850.000 lượt và trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Các chuyên gia nhận định công suất cho thuê phòng của các khách sạn 4-5 sao tại khu vực Phan Thiết đạt gần 65%, tương đương với Hạ Long, Phú Quốc và cao hơn so với Nha Trang, Đà Nẵng do chưa chịu nhiều áp lực về nguồn cung.

Cụ thể, nếu như các thị trường còn lại có số phòng khách sạn 4-5 sao dao động trong khoảng 4.380-9.204 căn, thì toàn tỉnh Bình Thuận mới có khoảng 3.000 căn, với đa phần các khách sạn tập trung tại khu vực Mũi Né, Phan Thiết.

"Một thời gian chúng ta nghĩ Mũi Né - Bình Thuận là thị trường 'ngủ đông', bởi sự nổi lên quá mạnh mẽ của các thị trường khác. Nhưng gần đây, một loạt các chính sách cũng như tin tức lạc quan về hạ tầng đã giúp Phan Thiết lấy lại sức hút của mình", một chuyên gia nhận định.

Dù không vào mùa cao điểm, bãi biển Phan Thiết vẫn thu hút đông du khách.

Những năm qua, Bình Thuận thực hiện quá trình cải thiện môi trường đầu tư, cải cách mạnh về thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế, chính sách theo hướng thuận lợi cho việc thu hút đầu tư ngành du lịch. Đồng thời, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng cũng đã được triển khai nhằm tạo điều kiện cho du lịch địa phương phát triển.

Mới đây, quy hoạch khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được phê duyệt theo hướng khu du lịch đẳng cấp quốc tế, với ranh giới mở rộng về phía Bắc đến hết xã Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình) và Hòa Phú (Tuy Phong). Ngoài ra còn tính đến mở rộng kết nối với huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi, nhằm tạo các điểm du lịch vệ tinh cho khu du lịch quốc gia.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến Phan Thiết còn khoảng hơn ba tiếng. Sắp tới, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến khởi công tháng 7/2020 đi vào vận hành sẽ kéo giảm thời gian này xuống thấp hơn, chỉ còn khoảng 1,5 tiếng.

Gần đây nhất, sân bay Phan Thiết cũng đã điều chỉnh quy mô đầu tư từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ, trở thành một trong ba sân bay quy mô nhất miền Trung với công suất thiết kế đạt hai triệu hành khách một năm, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng. Dự kiến, sân bay Phan Thiết sẽ khởi công vào quý III/2019.

Theo các chuyên gia bất động sản, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc có sự cất cánh tốt hơn Mũi Né trong những năm gần đây, chủ yếu là do đã có sân bay quốc tế. Một khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, Mũi Né sẽ nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng các thị trường này.

"Nếu hạ tầng được thực thi sớm, sự trỗi dậy của các thị trường tiềm năng như Phan Thiết rõ ràng chỉ là một sớm một chiều", chuyên gia dự báo.

Đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư

Bên cạnh tiềm năng hút khách du lịch cùng sự chuẩn bị sẵn có về hạ tầng và chính sách, Bình Thuận đang đứng trước thời cơ lớn khi dòng tiền đầu tư vào bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra khỏi các đầu tàu kinh tế như Hà Nội hay TP HCM. Theo đó, quỹ đất ngày càng khan hiếm cộng thêm các chính sách siết chặt quy hoạch đô thị đã buộc các nhà phát triển bất động sản tìm đến các vùng đất mới như Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên... Trong xu hướng dịch chuyển này, bất động sản ven biển trở thành phân khúc được ưu tiên hàng đầu.

Ông Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Phú Vinh nhận định, các dự án ven biển luôn có sức hút lớn với nhà đầu tư Việt Nam lẫn nước ngoài so với các sản phẩm cùng loại tại vùng cao nguyên hay lõi trung tâm của đô thị.

"Nhiều khả năng sẽ có đến 70% người tham gia thị trường địa ốc năm 2019 sẽ chọn bất động sản ven biển so với bất động sản miền núi. Đây là lý do xu hướng buôn bất động sản ven biển đang mạnh dần", ông Chánh nói.

Cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận trở thành một trong những "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn đầu tư bất động sản, với các dự án hàng trăm triệu đô. Trong số những "ông lớn" đang ráo riết tạo lập thị trường ở Phan Thiết phải kể tới Novaland - một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu. Chỉ trong vài tháng gần đây Novaland đã công bố hai dự án bất động sản du lịch quy mô lớn tại địa phương này, là NovaHills Mũi Né (40ha) và NovaWorld Phan Thiết (100ha).

Ngoài ra, còn loạt dự án đình đám như khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né trên diện tích gần 200ha, khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né diện tích gần 86ha, The Queen Pearl với quy mô 27ha, Ocean Dunes với tổng vốn 2.600 tỷ đồng của Tập đoàn Rạng Đông quy mô 62ha...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, trong năm 2018, tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án, luỹ kế đến nay đã có 390 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.495 ha và tổng vốn đầu tư 60.195 tỷ đồng. Trong đó có 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 13.060 tỷ đồng, hiện nay có 184 dự án du lịch đã đi vào hoạt động.

Hòa Thắng - "viên ngọc thô" của bất động sản Bình Thuận

Ghi nhận trên thị trường, đà sôi động bất động sản Bình Thuận không chỉ tập trung tại trung tâm thành phố Phan Thiết, mà có xu hướng lan rộng sang các vùng kế cận như La Gi, Bắc Bình, Tuy Phong...

Nằm về phía Đông Bắc Bình Thuận, Bắc Bình sở hữu 38km bờ biển giáp ranh với Phan Thiết, cách TP HCM 250km về phía Nam, Nha Trang 200km về phía Đông và cách Đà Lạt 90km theo tuyến đường thuỷ điện Đại Ninh. Địa phương còn nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt theo quốc lộ 1A nên rất thuận lợi trong việc phát triển và kết nối các điểm đến du lịch, đặc biệt là các tour liên tuyến Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang.

Sở hữu địa hình vừa có biển, vừa có núi và các đồi cát hoang sơ, thơ mộng, khu vực biển Hoà Thắng có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch, giải trí.

Địa phương còn sở hữu nhiều thắng cảnh nổi tiếng như hòn Hồng, hòn Nghề nằm ven biển hoang sơ có thể phát triển du lịch biển gắn với các môn thể thao dù lượn, lướt sóng, các khu giải trí tự nhiên như đập Đồng Măng, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tàng hiện vật Chăm ở thị trấn Chợ Lầu. Ngoài ra còn có làng nghề truyền thống như gốm gọ Bình Đức (xã Phan Hiệp), dệt thổ cẩm Chăm ở thôn Cảnh Diễn (xã Phan Thanh), các lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội Ka Tê, Ra Mư Wan của đồng bào Chăm, Tết Đầu Lúa của người Rắc Lây, lễ hội cầu ngư ông Nam Hải của ngư dân xã Hòa Thắng...

Việc thông qua đồ án quy hoạch chung khu vực ven biển Hòa Thắng vào năm 2014 đã tạo sức bật cho bất động sản Bắc Bình nói chung và khu vực xã Hòa Thắng nói riêng. Theo đồ án, khu vực ven biển Hòa Thắng có tổng diện tích 3.108ha, có tính chất khu đô thị du lịch ven biển bao gồm dịch vụ, thương mại, dân cư, du lịch...

Nơi đây nổi tiếng với khu du lịch sinh thái dã ngoại Bàu Trắng thu hút hơn 100.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm. Những năm trước đây, khi đường Hoà Thắng - Hoà Phú còn bụi bặm đất đỏ, đã có các đoàn xe zeep từ các khu du lịch Mũi Né chở khách Tây ra Bàu Trắng để khám phá nét hoang sơ dưới chân đồi cát Trinh Nữ.

Hiện tuyến đường Hòa Thắng - Hòa Phú đã đầu tư rộng rãi, hiện đại và được bình chọn là một trong những tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam - nối Bắc Bình với Tuy Phong.

Thời gian gần đây, khu vực xã Hòa Thắng thu hút nhiều đơn vị môi giới và các nhà đầu tư bất động sản từ các thành phố lớn.

Nhận thấy tiềm năng này, một số chủ đầu tư cũng đã nhanh chóng tham gia vào thị trường. Nổi bật là hai dự án với quy mô lên đến 2.162ha và vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng tại xã Hoà Thắng. Thứ nhất là dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam do Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam làm chủ đầu tư, với diện tích đất hơn 1.142ha và tổng vốn đầu tư là 14.602 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm thương mại - dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái, trung tâm hội nghị, trung tâm thể dục thể thao biển nhằm phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng và khu nông thị - nông nghiệp kỹ thuật cao góp phần tạo sự phát triển kinh tế cho tỉnh Bình Thuận.

Công ty cổ phần Toàn Cầu TMS cũng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị - du lịch - thể thao biển với diện tích sử dụng đất 1.020ha, có tổng vốn gần 15.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ bổ sung cho xã Hòa Thắng khu liên hợp đa chức năng, gồm trung tâm vui chơi giải trí, khu chăm sóc sức khỏe, khu khách sạn cao tầng, condotel, công viên cảnh quang, khu nhà hàng ẩm thực, khu đô thị du lịch... và các loại hình thể thao giải trí như khinh khí cầu, thuyền buồm, lướt ván diều, lướt ván buồm, mô tô và ôtô địa hình, thuyền rồng...

Nhờ đó, bất động sản khu vực Bắc Bình, với tâm điểm là xã Hòa Thắng, trở thành điểm nóng đầu tư, với các giao dịch sôi động. Với lợi thế quỹ đất lớn cùng mức giá rất cạnh tranh, khu vực nhanh chóng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu đến từ TP HCM và Hà Nội. Các lô đất quy mô từ 1.000m2 đến hàng chục nghìn m2 được mua đi bán lại nhanh chóng, với mức tăng giá nhanh.

Theo Vnexpress