Bất động sản trong cơn bão "ảo", TP.HCM lập tức lên tiếng cảnh báo siết chặt
Theo nhiều chuyên gia đất đai tại các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực TP.HCM, thời gian qua “sốt” không phải vì nhu cầu ở tăng đột biến mà là đầu cơ kiếm lời.
Nắm bắt được nhu cầu này, các "cò đất" lợi dụng các thông tin về quy hoạch sẽ làm đường hoặc các công trình lớn để đẩy giá đất lên cao.
Các chuyên gia cho rằng, việc giá đất tại TP.HCM tăng trong vòng 3 năm gần đây, cùng với quỹ đất "sạch" để phát triển dự án đất nền, nhà phố của thành phố ngày một khan hiếm; sự gia tăng số lượng của các dự án hạ tầng đòi hỏi đi kèm với đó là việc mở rộng quỹ đất tái định cư… đã và đang góp phần làm cho đất nền trở thành lạo hàng hóa bởi có tính bảo tồn giá trị vốn, có khả năng sinh lời cao.
Thế nhưng, tình trạng giá đất nền ở thị trường thứ cấp liên tục tăng trong thời gian gần đây cũng đặt ra những mối lo ngại về rủi ro "bong bóng" bất động sản ngày một phình to. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa cảnh báo hiện tượng đầu nậu, cò đất lợi dụng vụ cháy chung cư Carina Plaza để đầu cơ, thổi giá đất nền phân lô để trục lợi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết thêm lợi dụng cơn sốt nóng này, các nhà đầu tư đẩy giá và làm giá thông qua việc mua đi - bán lại, mua vào - chốt lãi, cứ hết F1 rồi sang F2 rồi F3... Người sau nối tiếp người sau và giá cứ thế tăng sẽ tạo mức độ nguy hiểm cho thị trường.
Trong khi đó, theo quan sát của ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc công ty DKRA Việt Nam, cơn sốt này sẽ có những tác động nguy hiểm nếu cứ tiếp tục kéo dài và mức tăng không được kiểm soát. Điển hình là khi khách hàng liên tục đầu tư vào đất nền đẩy mức giá tăng lên quá cao so với giá trị thực, giá tăng không kiểm soát có thể sẽ đưa thị trường lặp lại tình trạng bong bóng.
"Việc tập trung đầu tư vào đất nền sẽ làm mất cân bằng thị trường, các giao dịch và nguồn tài chính dành cho các phân khúc khác có thể sẽ bị chia sẻ. Việc giao dịch nhiều lần sẽ làm cho thị trường mất cân đối, tiến trình đô thị hóa đình trệ", ông Lâm nói.
Mới đây nhất, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng công bố báo cáo thị trường giao dịch bất động sản quí 1/2018 với các tín hiệu khởi sắc. Một trong những thông tin đáng chú ý là những thông tin về tình trạng khan hiếm đất nền trong nội thành TP.HCM đã góp phần đẩy giá đất nền của các tỉnh thành xung quanh như Long An, Bình Dương và Đồng Nai tăng giá.
Tại cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định 60 về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa sáng 10/4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã cảnh báo tình trạng tăng giá đất ảo.
Theo đó, thời gian qua có hiện tượng nhiều đối tượng "tiếp tay" để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm giá đất TP.HCM tăng. Cuối cùng giá hiện thực như thế nào không ai biết.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đưa ra một cảnh báo khác là tình trạng một số đất đai nhà nước đã thu hồi rồi nhưng người dân vẫn cầm giấy photocopy để thực hiện mua bán, giao dịch nhưng chính quyền chưa kiểm soát được. Đây là mua bán bất hợp pháp. Dẫn đến khiếu nại. Cuối cùng, chính quyền phải giải quyết nên tốt nhất từ bây giờ chính quyền phải kiểm soát tình hình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Do đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu quận - huyện phải lưu ý, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời quản lý chặt chẽ, đặc biệt là bộ máy của mình.
Song song đó, Công an TP.HCM và các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng giấy tờ nhà đất photocopy người dân không hoàn trả để buôn bán bất hợp pháp.
Theo Tri thức trẻ