Bất động sản và câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0
"Bão" cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những mô thức kinh doanh mới và trong bối cảnh đó, việc nhìn nhận, đánh giá đúng và xây dựng được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp bất động sản sẽ là điểm tựa giúp doanh nghiệp vượt qua cú sốc thị trường, đồng thời vượt "bão 4.0" thành công.
Hình minh hoạ
Văn hóa doanh nghiệp là tinh thần, phần hồn của doanh nghiệp
Văn hóa một cách hiểu thông thường đó là cái cân bằng khi xã hội có nhiều nguy cơ biến động. Hoặc có thể hiểu nôm na rằng, mọi vật chất có thể mất đi, cái còn đọng lại chính là văn hóa.
Bất kể quốc gia nào, tổ chức nào, giáo phái nào muốn phát triển lâu dài thì phải có văn hóa riêng và doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh trên một môi trường ngày càng phẳng, văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng.
Văn hóa doanh nghiệp hiện nay luôn là đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn của giới doanh nghiệp, các nhà quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp là gì thì không phải doanh nghiệp nào cũng thấu hiểu, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc biệt, vào thời điểm hiện tại, khái niệm văn hóa doanh nghiệp ngày một trở nên khó phân định, khó hiểu và khó triển khai hơn do sự xuất hiện của Dữ liệu lớn, của trí tuệ nhân tạo. Quan hệ lao động không còn chỉ là giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc; từ đó tạo ra những thay đổi bắt buộc trong việc xây dựng nền tảng văn hóa của con người.
Mặc dù lĩnh vực bất động sản có tính đặc thù hơn so với nhiều ngành khác bởi việc quyết định của khách hàng phụ thuộc vào cả lý tính lẫn cảm xúc, tuy nhiên, điều này không có nghĩa không có sự thay đổi về cách thức vận hành của thị trường.
Trong đó, dễ nhất chúng ta có thể thấy đó là sự thay đổi về cách tìm kiếm, so sánh đối chiếu thông tin từ phía khách hàng. Không những không bị hạn chế không gian tìm kiếm thông tin mà họ còn được trao nhiều hơn các đặc quyền với sự ra đời của một loạt các phần mềm ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo để chiều lòng khách hàng.
Chính vì thế, việc tìm kiếm khách hàng, thuyết phục khách hàng trở nên khó khăn hơn, mất thời gian hơn. Trong khi áp lực công việc ngày càng lớn, lợi nhuận chia sẻ cho các nhân viên môi giới trở nên thấp đi thì việc bắt buộc phải xây dựng một nền tảng văn hóa doanh nghiệp mới là điều bắt buộc nếu không muốn nhanh chóng lụn bại và đào thải khỏi thị trường.
Thực tế cho thấy, bất động sản là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất nhưng số lượng giải thể cũng cao nhất. Rất nhiều doanh nghiệp được thành lập ra như nấm sau mưa nhưng không cạnh tranh nổi hoặc hoạt động chụp giật theo thị trường nên đã phải dừng lại.
Thống kê từ Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2018, kinh doanh bất động sản là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất, đạt 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng và dừng hoạt động của ngành này cũng là cao nhất với lần lượt 61,3% và 103,7%.
Con số này có lẽ chưa bao quát được hết, nhưng nó cũng cho thấy với sự cạnh tranh không ngừng gia tăng từ cuộc cách mạng 4.0, việc nếu không tập trung vào phát triển con người, xây dựng văn hóa xuyên suốt, vững chắc thì không thể cạnh tranh trên thị trường. Dù doanh nghiệp mới hay cũ thì bên cạnh việc hội tụ đầy đủ các yếu tố chung của thị trường cũng cần phải tạo bản sắc riêng của từng doanh nghiệp xuất phát từ chữ tâm, chẳng hạn tạo sự hấp dẫn trong tuyển dụng hay xây dựng sự tin cậy của khách hàng, đối tác bằng văn hóa, năng lực triển khai dự án… Có như vậy, khách hàng mới đồng hành, tin yêu, từ đó doanh nghiệp mới đạt được kết quả kinh doanh tốt.
Vậy nên xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng như thế nào?
Giới doanh nghiệp Pháp có một câu nói khá nổi tiếng: "Yêu quý nhân viên một lần thì họ sẽ yêu gấp 100 lần công ty của bạn". Dù xuất hiện từ khá lâu nhưng cho tới thời điểm hiện tại nó vẫn mang ý nghĩa thời sự.
Doanh nghiệp nào cũng vậy, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất của mỗi công ty và tập đoàn. Có thể nói, có hai yếu tố tác động đến mỗi nhân viên và các cấp quản lý đó là lý tính và cảm tính. Lý tính có thể coi là công việc hằng ngày đang làm và cảm tính là cảm xúc của người nhân viên hoặc quản lý khi làm công việc đó.
Nếu làm không tốt thì chắc chắn cảm xúc sẽ u ám hơn người làm việc tốt. Doanh nghiệp tốt là doanh nghiệp có thể khiến nhân viên làm việc hiệu quả mà vẫn mang lại niềm vui và hạnh phúc đến với nhân viên. Chính niềm vui sẽ tạo khát khao gắn bó và cống hiến đối với doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp bất động sản với triết lý công nghệ dẫn đầu nhưng con người mới là trọng tâm của phát triển (nguồn TMG)
Lãnh đạo công ty có vai trò rất quan trọng trong tâm thế yêu hoặc ghét công ty của nhân viên. Tất nhiên, đi làm là làm cho bản thân nhưng nếu sếp của công ty mà nói chuyện thú vị và biết cách tạo động lực cho nhân viên thì nguy cơ nhân viên nghỉ việc sẽ giảm bởi trong các mối ràng buộc, có một lực kéo tưởng lỏng lẻo nhưng lại rất bền chặt là họ có tình cảm yêu quý người lãnh đạo của mình.
Người sếp thành công là người giữ được hình ảnh bình dị, trao đổi thông tin hiệu quả với các cấp quản lý và đặc biệt trao đổi thông tin được với cả nhân viên. Nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình "thư tay gửi sếp" và sếp sẽ dành thời gian rảnh viết thư trả lời lại nhân viên bằng thư tay, ngôn ngữ khá dí dỏm và hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các hoạt động trainning về kỹ năng và tác phong nên được tổ chức thường xuyên giúp nhân viên cải thiện được hình ảnh, tác phong làm việc. Văn hóa "vỗ tay" Kerry cho rằng là khá thú vị! Khi các thành viên nào trong công ty có thành tích sẽ nhận được tràng vỗ tay rất lớn và hô vang tên khiến họ có cảm giác vinh danh và tự hào phấn đấu.
Theo GBND Tổng hợp