Bình Dương: Xây dựng thành phố Thuận An thành trung tâm công nghiệp - tài chính mới

04/05/2021 - 20:41
|

Từ một vùng sình lầy lau sậy của tỉnh Bình Dương - một vùng nghèo khó ven đô Sài Gòn, 46 năm sau giải phóng, xây dựng và đổi mới, một đô thị thông minh, một trung tâm tài chính gắn với cái tên Thuận An đang dần hiện hữu.

Một góc TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương

Những năm gần đây, thành phố phát triển rất nhanh, cơ sở hạ tầng hiện đại thu hút được làn sóng đầu tư mới, tạo động lực đột phá cho sự phát triển của kinh tế - xã hội cả tỉnh Bình Dương.

Phát triển cơ sở hạ tầng trục đại lộ trung tâm

Chủ tịch UBND TP. Thuận An tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tâm cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP. Thuận An đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện cụ thể về đầu tư kết cấu hạ tầng các tiêu chí đô thị loại I gắn với phát triển dịch vụ để hình thành trung tâm tài chính mới của tỉnh. Đây thực sự là tin vui đầu năm không chỉ với người dân địa phương mà còn tạo cơ hội lớn đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước đến với Thuận An.

Theo lãnh đạo TP. Thuận An, bước đi đầu tiên trong lộ trình trở thành một trung tâm tài chính mới đó là việc đầu tư, nâng cấp một phần trục quốc lộ (QL)13 ngang qua TP. Thuận An thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất tỉnh. Bước tiếp theo, từ trục đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, nhằm đưa TP. Thuận An thành trung tâm công nghiệp - tài chính - dịch vụ. Từ đó tạo đòn bẩy thu hút các dự án đầu tư lớn từ trong và ngoài nước.

Được lên kế hoạch đầu tư công lớn thứ hai toàn tỉnh (đợt 1 năm 2021) với nguồn vốn hơn 500 tỷ đồng, TP. Thuận An dành ưu tiên và khẩn trương triển khai các hạng mục giải phóng mặt bằng QL13, các đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố, cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị, nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong…

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc quy hoạch hạ tầng bài bản cùng tiến độ triển khai nhanh chóng các hạng mục được ưu tiên đầu tư công trong năm 2021 là tiền đề gia tăng giá trị bất động sản không chỉ tại Thuận An mà cho cả tỉnh Bình Dương. Các chuyên gia kinh tế nhận định, diễn biến gia tăng giá trị bất động sản khu vực trung tâm trục QL13 tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ tăng giá trung bình mỗi năm dao động vào khoảng 25% - 30%. Đặc biệt sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp QL13 cùng với 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, dịch vụ, công trình phúc lợi, công viên giải trí… TP. Thuận An sẽ xứng tầm đô thị thông minh - đô thị loại 1, trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất của tỉnh Bình Dương.

Hình thành trung tâm tài chính mới

Theo các chuyên gia kinh tế, chiến lược phát triển TP. Thuận An của tỉnh Bình Dương được xem là bước đột phá mới bên cạnh vị trí liền kề TP. Thủ Đức của TP. Hồ Chí Minh. Các công trình hạ tầng hiện hữu đã được hiện đại hóa như: 2 trung tâm thương mại, nhiều siêu thị vừa và nhỏ, 3 bệnh viện quốc tế, 1 sân golf, 3 khu công nghiệp lớn được xem là nền móng cho phát triển và hội đủ các tiêu chí tiếp theo của một trung tâm tài chính mới.

Việc phát triển thêm 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, gồm: Trung tâm 1 tọa lạc tại Lái Thiêu; trung tâm 2 tọa lạc khu vực ngã tư QL13 - đường An Thạnh - Bình Chuẩn; trung tâm 3 chạy dọc ngã 5 An Phú và trục đường 473; trung tâm 4 và 5 thuộc trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An với ngã tư QL13 và trục Bình Hòa - Vĩnh Phú... cũng đang được các cấp lãnh đạo của tỉnh Bình Dương tính toán một cách kỹ lưỡng, phù hợp.

Hiện TP. Thuận An đã đầu tư 3 công viên diện tích từ 1.000 - 2.000m2 và đang triển khai xây dựng thêm 5 công viên diện tích từ hơn 2.000 - 15.000m2 như: công viên An Phú (phường An Phú), công viên Bình Hòa (phường Bình Hòa), công viên Thuận Giao (phường Thuận Giao). “Thuận An cũng sẽ xây dựng mới kết hợp nâng cấp hạ tầng hiện có; phát triển khu nhà ở, khu đô thị gắn với trung tâm thương mại - dịch vụ. Các công trình sẽ được xây dựng tạo nét kiến trúc đặc trưng cho đô thị” - ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP. Thuận An nhấn mạnh.

Xem thêm: Mua bán nhà đất thành phố Thuận An

Theo House Viet Biên tập | Thời báo Tài chính Việt Nam