Bức tranh giao thông Long An dần được hoàn thiện

14/12/2018 - 10:14
|

Từ năm 2016, tỉnh Long An đã thực hiện chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm. Đây là tiền đề cũng như động lực để tỉnh xúc tiến đầu tư, vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam. 

Chương trình có 14 danh mục công trình giao thông, đến nay đã hoàn thành được 6 công trình (6 công trình đang triển khai thi công, 2 công trình đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để triển khai thi công trong thời gian tới).

Ngoài ra, tỉnh Long An còn huy động các nguồn lực để đầu tư 3 công trình trọng điểm của tỉnh là đường tỉnh 830, công trình đường vành đai thành phố Tân An (bao gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) và công trình trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối Tiền Giang - Long An - TPHCM. Tất cả được kỳ vọng sẽ là “đường băng” giúp tỉnh này sớm cất cánh và luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dự án nâng cấp mở rộng ĐT.830 và ĐT.824 (đoạn từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa) đã được hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 6-6-2018 với tổng vốn đầu tư thực tế là 1.079 tỷ đồng (tạm tính đến thời điểm 30-5-2018). Chủ đầu tư đã tiến hành thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn từ ngày 18-6-2018.

Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn chỉnh và thống nhất số liệu quyết toán với đơn vị kiểm toán độc lập, đang chuẩn bị hồ sơ để chuyển kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán; dự kiến sẽ quyết toán dự án vào đầu tháng 12-2018.

Tổng công trình có chiều dài 23,161km, mặt đường rộng 14-18m, nền đường rộng 18-21m; xây dựng 8 cầu mới bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng HL93, bề rộng cầu 9m, bên cạnh các cầu hiện hữu đang khai thác,  đảm bảo 4 làn xe cho đồng bộ với khổ đường được phê duyệt. Tổng mức đầu tư là 1.079 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BOT.

Thời gian tới, tỉnh cũng chỉ đạo, đôn đốc hoàn thành các dự án đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực - quốc lộ 50 và đoạn từ quốc lộ 50 - cảng Long An.

Về dự án đường vành đai thành phố Tân An (bao gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây), đến nay, thành phố Tân An và huyện Thủ Thừa đã hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu chức năng đối với đoạn đường đi qua hai địa phương, quy mô đầu tư chiều dài tuyến đường là 22.350m.

UBND thành phố Tân An làm chủ đầu tư công trình này đoạn từ đường Phan Văn Tuấn nối đường Nguyễn Tấn Chính (điểm đầu tại Km3+450, điểm cuối tại Km9+400 trùng với nút giao quốc lộ 1). Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An làm chủ đầu tư các đoạn còn lại và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Hiện các đơn vị chức năng đang điều chỉnh thủ tục đầu tư theo đúng quy định (do thay đổi quy mô phương thức đầu tư).

Ngoài ra, xác định kết nối khu vực là giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế, giao lưu thương mại giữa các địa phương lân cận, tỉnh Long An cũng đã phối hợp với TPHCM và Tiền Giang đưa vào kế hoạch triển khai công trình trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối Tiền Giang - Long An - TPHCM.

Hiện tại, Công ty CP Him Lam đang nghiên cứu, khảo sát đề xuất phương án đầu tư tuyến đường này. Về quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường, Sở Xây dựng tỉnh Long An đang tiến hành lập quy hoạch xây dựng chung trục hạ tầng giao thông kết nối Tiền Giang - Long An - TPHCM.

Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện chương trình và 3 công trình trọng điểm, hầu hết các công trình đều được triển khai thực hiện, góp phần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các doanh nghiệp cũng rất quan tâm, tham gia khá tốt việc đóng góp kinh phí cùng với nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đúng tiến độ, nhiều tuyến đường đầu tư được nhân dân đồng tình, ủng hộ khá cao.

Bức tranh giao thông Long An dần được hoàn thiện và đang bước vào thời kỳ hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ của Long An mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng