Bùng nổ vốn đầu tư vào start-up công nghệ
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, các start-up công nghệ đang là thỏi “nam châm” thu hút các nguồn vốn đầu tư và vài năm nữa sẽ là thời kỳ bùng nổ của “kỳ lân công nghệ”.
Dịch vụ giao hàng của ứng dụng Giaohangtietkiem. Ảnh: Lê Toàn
Dòng vốn liên tiếp đổ vào start-up
Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã chào đón nhiều thương vụ. Theo thống kê của Global M&A Review 2018, trong 38 thương vụ đầu tư tư nhân tại Việt Nam năm 2018, có đến 27 thương vụ đầu tư vào các start-up, chiếm 71% tổng số thương vụ và tăng 56% so với năm 2017.
Điều này đưa Việt Nam cùng Singapore, Indonesia và Malaysia trở thành 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất tại Đông Nam Á. Ước tính, tổng giá trị các thương vụ đầu tư tư nhân ở thị trường Việt Nam trong năm 2018 lên đến 1,6 tỷ USD, tăng 285% so với năm 2017. Các quỹ nội có 17 thương vụ, chiếm 36% tổng số thương vụ đầu tư tư nhân.
Công nghệ là mảng đầu tư tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 40% tổng số thương vụ. Các thương vụ tiêu biểu trong năm 2018 gồm Grab mua cổ phần Moca, Sea thâu tóm Foody và Giaohangtietkiem, PropertyGuru mua lại Batdongsan.com, Vntrip sáp nhập Atadi, Scroll đầu tư vào Cát Đông (hiện điều hành CungMua.com, NhomMua.com, Shipto.vn), Yeah1 đầu tư vào Netlink...
Đến đầu năm 2019, thị trường tiếp tục chào đón các thương vụ đầu tư tư nhân hàng triệu USD. Tháng 5 vừa qua, ứng dụng kết nối cho thuê nhà Luxstay hoàn tất vòng gọi vốn Bridge với sự tham gia của 2 nhà đầu tư mới đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels, nâng tổng số tiền gọi được trong vòng này lên 4,5 triệu USD. Trước đó, hồi đầu năm, Luxstay thông báo nhận được 3 triệu USD từ Quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures và một số nhà đầu tư khác trong vòng Bridge.
Trong vòng gọi vốn gần nhất công bố hồi đầu năm, “Uber xe tải” Logivan thông báo huy động thành công 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng của châu Á. VinaCapital Ventures, thành viên của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital công bố đầu tư 4 triệu USD vào Rever - công ty công nghệ môi giới bất động sản. FPT và SBI Holdings, tập đoàn dịch vụ tài chính Nhật Bản vừa ký kết bản ghi nhớ chiến lược cùng thành lập và đầu tư 3 triệu USD vào start-up Utop - ứng dụng kết nối mạng lưới doanh nghiệp, quản lý, hoán đổi điểm thưởng.
Gần đây nhất, Quỹ SoftBank Vision Fund và GIC Pte (Singapore) đã đề nghị đầu tư tới 300 triệu USD vào Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay). Nếu khoản đầu tư này thành công, giá trị doanh nghiệp VNPay có thể cán mốc 1 tỷ USD, VNPay trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân” thứ hai tại Việt Nam, sau VNG.
Start-up công nghệ là tâm điểm đầu tư
Có thể thấy, lĩnh vực công nghệ luôn là tâm điểm được các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tư nhân chú ý. Ông Phạm Hợp Phố, Giám đốc Điều hành Viet Capital Asset Management (VCAM) từng khẳng định, giờ là thời điểm không thể nào tốt hơn để rót vốn vào các công ty công nghệ Việt Nam.
Một số doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu quan tâm và thành lập quỹ đầu tư vào start-up. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu và Công ty cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam mới đây đã ra tuyên bố chung về việc thành lập Quỹ mở ICT SaoBacDau với quy mô vốn 200 tỷ đồng trong tương lai. Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, điện toán đám mây, Big Data, các giải pháp về trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái cộng đồng, IoT và thành phố thông minh...
Quỹ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100 của NextTech gần đây cũng đã thành lập và công bố sẽ hỗ trợ 10 triệu USD cho các start-up công nghệ tại Việt Nam.
Từ những tín hiệu của thị trường và sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đối tác điều hành của Quỹ ESP Capital (Singapore) nhận định: “Những thương vụ đầu tư hàng chục triệu USD gần đây cho thấy nhiều tín hiệu tốt cho thị trường khởi nghiệp công nghệ và chúng ta sẽ sớm thấy sự xuất hiện của các ‘kỳ lân công nghệ’ tại Việt Nam”, bà Vy nói.
Đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 5 “kỳ lân công nghệ”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD và tăng gấp đôi vào năm 2030. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng một trong các công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và tăng lên 40% trong 5 năm tiếp theo.
Cũng theo Dự thảo, tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển đạt ít nhất 2% GDP đến năm 2030, qua đó đưa Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ và thấp nhất là vị trí 30 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Các lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi công nghệ là hành chính công, điện nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, logistics, thương mại, thông tin truyền thông và tài chính - ngân hàng.
Theo Cổng thông tin điện tử khởi nghiệp