Cần Giuộc: Vùng đô thị mở rộng của TP. HCM trong việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm

23/03/2018 - 10:37
|

Được quy hoạch thành vùng đô thị trung tâm TP Hồ Chí Minh, cộng với những tiềm năng sẵn có, Long An nói chung và Cần Giuộc nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển.

Chuyển dịch ra vùng ven thành phố để giảm tải áp lực dân số

Theo bản góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP. Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vào sự phát triển vùng đô thị trung tâm bao gồm TP. HCM và vùng phụ cận như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An), Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương), thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Theo đó, vùng đô thị trung tâm được lập ra nhằm giải quyết tình trạng bùng nổ dân số ở TP HCM. Hiện nay, dân số của TP đã tăng lên hơn 10 triệu người, lượng người nhập cư tăng liên tục, tỷ lệ tăng dân số cơ học rất cao so với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Chính điều này đã gây nên tình trạng quá tải, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, minh chứng rõ ràng nhất là hiện tượng kẹt xe trầm trọng tại các trục đường giao thông chính dẫn vào trung tâm thành phố.

Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM định hướng sẽ phát triển các đô thị vệ tinh quanh trung tâm thành phố, mở rộng phát triển các khu công nghiệp mới tại vùng ven và các huyện lân cận như Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, từ đó chuyển dịch hướng phát triển ra vùng ven, giảm tải áp lực dân số tại trung tâm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế nơi đây.

Với quy hoạch đó, những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không trong vùng song song với hệ thống đường vành đai và các tuyến cao tốc kết nối từ trung tâm thành phố tới các tuyến quốc lộ và các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành.

Cần Giuộc đứng trước vận hội mới trong phát triển kinh tế – xã hội

Nằm trong quy hoạch thành vùng đô thị trung tâm, nhiều tuyến dự án đường cao tốc lớn kết nối Long An với nhiều tỉnh thành khác đã được phê duyệt hoặc hoàn tất mang đến những cơ hội lớn về phát triển kinh tế cho địa phương và khiến giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua.

Cuối năm 2014, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành – dự án trọng điểm Quốc gia đi qua địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.TP HCM, Long An và Đồng Nai đã chính thức được khởi công.

Hình ảnh đường cao tốc Bến Lức – Long Thành

Dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc – quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án được đánh giá sẽ có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đồng Nai, Long An cũng như cả khu vực phía Nam. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến giá bât động sản tại huyện Cần Giuộc tăng giá mạnh trong thời gian gần đây.

Bên cạnh những dự án mang tầm quốc gia đó, Long An cũng là địa phương có nhiều chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng khi tới 46% vốn đầu tư của tỉnh được đầu tư vào hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án lớn khác đã và đang được triển khai như cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, vành đai 3, vành đai 4….

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, theo Đồ án Quy hoạch vùng, các huyện Cần Giuộc, Bến Lức sẽ trở thành đô thị loại 3, nằm trong tổ hợp của Vùng TP Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội lớn để Long An, đặc biệt huyện Cần Giuộc phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và đô thị phát triển mạnh mẽ sẽ là động lực để thị trường bất động sản tăng trưởng bền vững trong tương lai gần.

Theo GBND