Đất nền đầu năm 2020: Từ lừa đảo đến Sốt ảo?
Bất chấp tình trạng trầm lắng chung của thị trường bất động sản giai đoạn đầu năm 2020, phân khúc đất nền vẫn gây “sóng gió” với hàng loạt vụ lừa đảo đến những cơn sốt đất ảo.
Hỗn loạn với đất nền
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa bắt giữ Trần Văn Hội (32 tuổi, quê Nam Định), giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và địa ốc Hưng Phú để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty Hưng Phú có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa. Giám đốc công ty này bị bắt vì đã rao bán nhiều dự án đất nền tại Bà Rịa, huyện Đất Đỏ cho nhiều khách hàng. Mặc dù đây đều là những dự án “ma”, có nguồn gốc là đất nông nghiệp, không phải đất ở nhưng Hội vẫn cam kết sẽ chuyển đổi và cấp sổ đỏ cho người mua.
Rất nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua bán với Công ty Hưng Phú và đã đóng từ 50-70% giá trị mua đất. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết ra sổ, Công ty Hưng Phú đã không thực hiện, nhiều lần trốn tránh. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công án.
Trước đó, công an tỉnh Bình Dương cho biết đang điều tra đơn tố cáo của nhiều khách hàng đối với Công ty CP TMDV - XDĐT - PT Địa ốc Bình Dương City Land (Công ty Bình Dương City Land). Công ty này có trụ sở tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do ông Hoàng Anh Vui giữ chức vụ giám đốc.
Khách hàng tố cáo Công ty Bình Dương City Land lừa đảo
Theo nội dung tố cáo của khách hàng, Công ty Bình Dương City Land đã rao bán nhiều dự án đất nền như Green City 1, 2, 3; Phúc Long 1, 2 (huyện Bàu Bàng) và Phúc Long 3 (huyện Phú Giáo).
Theo cam kết, sau khi người mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính sẽ được Công ty Bình Dương City Land giao nền và cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã đóng đủ tiền theo yêu cầu và đến thời hạn giao nền thì phía công ty không thực hiện.
Hiện tại, nhiều khách hàng đang như ngồi trên đống lửa vì không được giao nền đất, muốn lấy lại tiền đã đóng cũng không được.
“Năm 2018, tôi gom góp tiền bạc để mua nền đất tại dự án Green City 2 của Bình Dương City Land. Họ cam kết đến tháng 7/2019 sẽ giao nền cho tôi, nhưng đến bây giờ vẫn không thấy nền đâu, mà lên công ty đòi lại tiền cũng không được”, một khách hàng bức xúc.
Không chỉ “nổi bật” với các vụ lừa đảo như trên, mới đây phân khúc đất nền cũng dậy sóng với cơn sốt ảo xảy ra tại nhiều khu vực thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nguyên nhân xuất phát từ một đề xuất của tập đoàn Vingroup xin khảo sát để làm hai dự án ở khu vực này. Dù chỉ mới ở dạng đề xuất bước đầu, song qua những lời đồn thổi của môi giới và “đội lái” cơn sốt đất đã bùng phát.
Chỉ trong vài ngày, giá đất mặt tiền đường quốc lộ 56, đoạn chạy qua xã Bình Ba, bị đẩy từ 250 triệu đồng/mét ngang lên 550-600 triệu đồng/mét ngang. Giá đất trong hẻm cũng tăng lên 250-300 triệu đồng/mét ngang dù trước đó chỉ dao động từ vài chục đến trên dưới 100 triệu đồng.
Coi chừng bỏng tay
Cơn sốt đất ảo đang xảy ra ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Zing
Anh Tùng, một nhà đầu tư bất động sản, cho biết sở dĩ đất nền luôn là phân khúc đầu tư hấp dẫn, được nhiều người lựa chọn bởi đây là kênh tích lũy yêu thích, phù hợp tâm lý của nhiều người, đồng thời có biên độ lợi nhuận cao.
Hiện nay, phân khúc căn hộ đang khan hiếm nguồn cung, condotel thì rủi ro trong cam kết lợi nhuận, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ảnh hưởng do dịch cúm virus corona nên dòng vốn đầu tư tạm thời nghiêng vào phân khúc đất nền.
Tuy nhiên, để đầu tư vào đất nền đòi hỏi nhà đầu tư cần tỉnh táo. Không đầu tư theo tâm lý đám đông, chạy theo những tin đồn hoặc thông tin chưa rõ ràng do giới đầu cơ tạo sóng ảo như cơn sốt đất ở Châu Đức vừa qua.
Cơn sốt đất tại Bình Ba đến nay vẫn chưa hạ nhiệt
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân, cho rằng cho dù mua đất nền dự án hay đất nền nhỏ lẻ trong dân thì yếu tố pháp lý luôn phải đặt lên hàng đầu. Với những sản phẩm như đất nền thì nên chọn mua ở những dự án đã có sổ đỏ, hoặc có pháp lý sẵn sàng để khi ký hợp đồng là có thể tách sổ. Chỉ cần như vậy thì người mua đã hạn chế được đến 90% rủi ro về pháp lý.
Ngoài ra, nếu không chắc về kiến thức pháp luật thì người mua có thể nhờ đến luật sư, đơn vị tư vấn, các văn phòng công chứng. Trong mọi trường hợp, người mua cần phải có những giấy tờ pháp lý của chủ đầu tư cung cấp và có thể kiểm chứng ngược với cơ quan chức năng của nhà nước.
Hai cơ quan quản lý nên tìm đến là phòng quản lý đô thị và phòng tài nguyên môi trường. Những cơ quan này quản lý rất chặt chẽ từ quy hoạch, dự án trên địa bàn tiến độ ra sao, có đang thế chấp hay đang bị ngăn chặn giao dịch hay không… Đây đều là những thông tin giá trị cần có trước khi quyết định mua.
Theo Cafeland