Dấu ấn 15 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương
Những tuyến đường, con phố khang trang, thẳng tắp và rực rỡ sắc màu, rợp bóng cờ hoa. Những con người hiền hòa, năng động đồng lòng, dốc sức xây dựng một thành phố đáng sống của vùng sông nước Cửu Long. Kết cấu hạ tầng kinh tế, giao thông được đầu tư đồng bộ, những tòa nhà cao tầng, dãy phố khang trang..., tất cả làm nên dấu ấn của một thành phố mới Cần Thơ 15 năm trực thuộc Trung ương.
Đại lộ Hòa Bình, trung tâm TP Cần Thơ.
Tăng trưởng kinh tế ấn tượng
Những đội công nhân "trang điểm" tuyến đường hoa và đèn màu cho các tuyến phố trung tâm TP Cần Thơ vừa hoàn tất những phần việc cuối cùng. Họ đứng nhìn thành quả từ công sức lao động miệt mài của mình. Đó là công việc nhưng cũng là niềm hạnh phúc lớn lao đối với những người thợ làm đẹp cho thành phố. Khi đời sống đã được nâng cao, người dân Tây Đô có nhu cầu thụ hưởng những giá trị tinh thần. Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương và trung tâm kinh tế - tài chính, văn hóa, du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua, TP Cần Thơ đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, đã và đang được phát triển tương đối đồng bộ. Đây cũng là địa phương có chỉ số phát triển ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông nằm trong nhóm đầu cả nước.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị và 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (2004-2019), Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 14%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ - thương mại, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. "Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành là 103.500 tỷ đồng năm 2018 so với 11.745 tỷ đồng năm 2004, quy mô nền kinh tế tăng gấp 8,81 lần; GRDP bình quân đạt 80,5 triệu đồng/người/năm (2018) so với 10,2 triệu đồng/người/năm (2004), tăng gấp 7,86 lần...", đồng chí Trần Quốc Trung nêu vài số.
Ngày cuối năm 2018, tản bộ trên đại lộ Hòa Bình rợp bóng cờ hoa, tuyến đường trung tâm thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống chia sẻ, Tây Đô đã sẵn sàng đón chào năm mới. Năm 2018 tiếp tục đánh dấu sự nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong tổng số 13 chỉ tiêu cơ bản, đã có 12 chỉ tiêu đạt và vượt 100% kế hoạch. Trong đó, sức bật vẫn chủ yếu được tạo nên từ các trụ cột kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng qua từng năm. Do đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế cho nên nguồn thu ngân sách trên địa bàn cũng tăng nhanh.
Hiện nay, Cần Thơ là địa phương duy nhất trong 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có nguồn thu ngân sách được điều tiết về Trung ương mỗi năm từ 10%, tính từ năm 2008. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 11.150 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 10.040 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 1.110 tỷ đồng, tăng 0,7% dự toán Trung ương và HĐND thành phố giao; tổng chi ngân sách địa phương 11.898,5 tỷ đồng, đạt 99,4% dự toán, giảm 0,7% so với năm 2017. Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh tế của thành phố là đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ năm 2018 ước đạt hơn 2,070 tỷ USD, vượt 15,64% kế hoạch, tăng 13,14% so với năm 2017.
TP Cần Thơ đang thể hiện vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa, thương mại dịch vụ của khu vực nhờ quá trình đầu tư nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, khách sạn, nhà hàng... Bên cạnh đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 8,15%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,21%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,47%... "Sức bật lớn đến từ ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, với mức tăng 12,5% so với năm trước. Trong năm 2018, Cần Thơ đã đón khoảng 8,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,65 triệu lượt khách lưu trú, tổng doanh thu đạt 3.785 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2017", Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống phấn khởi nói.
Du khách tham quan một điểm du lịch sinh thái ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Thành phố đáng sống của đồng bằng
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, những năm qua, TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và hợp tác đầu tư. Thông qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội nghị cấp cao mang tầm quốc gia và quốc tế, Cần Thơ đã quảng bá được hình ảnh về vùng đất, con người và môi trường đầu tư lý tưởng của một tỉnh có vị trí tại trung tâm khu vực miền tây đến tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. "Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư đã bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về chỉ số niềm tin rất tích cực và mức độ an toàn, an ninh luôn được bảo đảm cao nhất. Từ thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 85.000 tỷ đồng. Hiện có 30 dự án đầu tư trong nước đang triển khai trên địa bàn, diện tích 545 ha, tổng mức đầu tư 13.662 tỷ đồng và 81 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên đến 697 triệu USD", đồng chí Võ Thành Thống chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung cho biết, mục tiêu phát triển của thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công, là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả vùng. Đồng thời là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL và cả nước. Theo đồng chí Trần Quốc Trung, cần làm rõ bốn vai trò trung tâm nêu trên thì mục tiêu thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị sẽ đạt được. Trong đó, vai trò trung tâm kinh tế tương đối rõ nét. Các nhà đầu tư khi đến ĐBSCL thì đầu tiên họ sẽ đến Cần Thơ. Các dự án đầu tư tại Cần Thơ cũng sẽ thu hút nguồn lao động và nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác trong khu vực. Đồng thời, TP Cần Thơ cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho cả khu vực ĐBSCL với hệ thống trường đại học, cao đẳng trải rộng ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 15 năm qua đạt hơn 430 nghìn tỷ đồng, tăng đều đặn 20,6%/năm đã làm nên một diện mạo mới của TP Cần Thơ. Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã mang tính động lực, tính kết nối, lan tỏa như: cầu Cần Thơ, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui cùng khu hậu cần logistics, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn công suất 3.000 MW, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A, 91B và hệ thống các tuyến đường tỉnh, giao thông nông thôn... và sắp tới là hoàn thành cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các cầu trên quốc lộ 80...
Bên cạnh đó, hàng loạt công trình ở lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được đầu tư mới, xứng tầm khu vực như: Bệnh viện chuyên khoa Nhi đồng; nâng cấp, xây dựng hàng trăm trường học; hình thành Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc...
Theo đồng chí Võ Thành Thống, để đạt được những bước phát triển ấn tượng như vậy thì yếu tố tiên quyết là phải xây dựng được một tập thể đoàn kết cùng với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP Cần Thơ. Trong đó, từng cấp, ngành, từng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên toàn thành phố đã luôn chủ động xây dựng các chương trình hành động và lộ trình phù hợp để xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần làm nên diện mạo mới của thành phố hôm nay.
Theo Báo Nhân dân