Doanh nghiệp bất động sản ngừng kinh doanh tăng 94% trong quý I

15/06/2020 - 08:02
|

Doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019, 200 sàn hoạt động cầm chừng, gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch.

Thị trường bất động sản nhiều biến động

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Tồn kho bất động sản vẫn nhiều đặc biệt là bất động sản cao cấp.

Văn phòng cho thuê còn lượng khách tụt giảm trong nửa đầu của năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, với  văn phòng hạng A tỷ lệ trống tăng 10,8%, đối với hạng B tỷ lệ trống tăng 5,6%.

Các khu du lịch, nghỉ dưỡng tạm dừng hoạt động một thời gian dài, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu. Các dự án condotel, du lịch nghỉ dưỡng… đã hoàn thiện nhưng chưa thể khai thác do không có khách.

Về giao dịch nhà ở trên thị trường trong những tháng đầu năm, riêng nhà ở thương mại tiêu thụ chỉ đạt 14%, lượng giao dịch thành công giảm mạnh nhưng giá bán nhà lại tăng so với năm 2019.

Về hoạt động các doanh nghiệp bất động sản, có 11,9% thành lập; tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019; 200 sàn hoạt động cầm chừng; gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch.

Doanh nghiệp bất động sản ngừng kinh doanh tăng 94% trong quý I
Thị trường bất động sản gặp khó bởi đại dịch. Nhiều doanh nghiệp nhỏ phải dừng hoạt động.

Trên thị trường cũng ghi nhận điểm sáng duy nhất là bất động sản công nghiệp tăng 6,2%.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng: Có 3 phân khúc khó khăn hơn cả trên thị trường bất động sản đó là, mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự liền kề tiêu thụ khó khăn. 3 lĩnh vực sáng sủa hơn như bất động sản logistic; bất động sản nhà ở cấp trung và thấp hơn… bất động sản công nghiệp khả quan với yêu cầu đất sạch và kèm môi trường đảm bảo.

“Các nhà đầu tư mới có chiến lược bảo thủ hơn, tâm lý phòng thủ rủi ro, các khoản đầu tư lớn bị tạm dừng; lối sống, phương thức làm việc thay đổi và dịch chuyển chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, việc thiếu minh bạch trong quỹ đất phát triển dự án, nguồn vốn, rà soát pháp lý vẫn là rào cản lớn” - ông Cấn Văn Lực nói.

Tâm lý co về “cố thủ” chờ đợi của nhà đầu tư khiến tính tính thanh khoản của thị trường bất động sản giảm. Bên cạnh đó, hướng đầu tư cũng được điều chỉnh khi phân khúc bất động sản cho thuê, văn phòng không còn “hot” thay vào đó là sự vươn lên của bất động sản công nghiệp.

Nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội là “cứu cánh" cho thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn như giảm 15% tiền thuê đất do Nhà nước cho thuê đất; Giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đất đai, thuế… Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như sau:

“Nhóm giải pháp cấp bách cho thị trường bất động sản là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Chính phủ có Nghị quyết 41 cấp thêm vốn cho phát triển nhà ở xã hội… Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp các địa phương rà soát các danh mục nhà ở xã hội trên cả nước, nhà ở công nhân các khu công nghiệp để ngân hàng cho vay trong năm 2020.

Đồng thời nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100. Bộ Xây dựng đang tiến hành làm rõ nội dung quy định, cải cách thủ tục để người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện từ xác định quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Việc khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng được Bộ Xây dựng đề xuất. Đó là các chung cư có diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 20 triệu/m2. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng trình Chính phủ để ban hành Nghị quyết từ chính sách xác định quỹ đất, chủ đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ.

Cụ thể, sẽ quy định khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án).

Dự án nhà ở thương mại giá thấp được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; trường hợp chủ đầu tư dự án đã có quyền sử dụng đất (đã trả tiền sử dụng đất theo quy định) thì sẽ được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại địa phương sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Về thủ tục đầu tư xây dựng, được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn khác ngoài ngân sách). Các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các dự án nhà ở thương mại giá thấp được kỳ vọng là cú hích cho thị trường bất động sản thời hậu Covid-19.

Theo Phương Hoài/VOV.VN