Giải bài toán nhà ở tại TP.HCM: Cần xem xét hạ mức diện tích được tách thửa
Theo các chuyên gia, TP.HCM hiện có đến 42% nhà ở dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn. Do đó, vấn đề đặt ra là cần xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn (quy định diện tích tối thiểu hiện nay là 36m2, 50m2, 80m2) để giải quyết bài toán nhà ở.
Bài toán mang tên… nhu cầu chỗ ở
Tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng hoàn thiện các giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng sự gia tăng dân số của TP.HCM trong giai đoạn 2021-2035 vừa được UBND TP.HCM tổ chức vào sáng 17/9, các chuyên gia cho biết, TP.HCM hiện có 8.993.082 người theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/2019. So với năm 2009, dân số thành phố đã tăng 1,8 triệu người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây.
Hội thảo lấy ý kiến xây dựng hoàn thiện các giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng sự gia tăng dân số của TP.HCM trong giai đoạn 2021-2035 vừa được UBND TP.HCM tổ chức vào sáng 17/9
Còn theo số liệu của ngành Công an, dân số Thành phố có khoảng 13 triệu người, bao gồm cả người cư trú ngắn hạn. Bên cạnh đó, TP còn có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú, đông nhất là người Hàn Quốc với khoảng 90.000 người. Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động, người nhập cư.
Trong đó, có gần 300.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân ngoại tỉnh khoảng 190.000 người, chiếm 69% tổng số lao động. Số lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 195.000 người, chiếm tỷ lệ 71%. Riêng Công ty Giày Pouyuen có hơn 100.000 công nhân. Đáng chú ý, TP.HCM có hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng.
Theo các chuyên gia, trước sức ép dân số đông như vậy, vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP.HCM là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Bởi lẽ, hiện nay, có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; khoảng 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỷ lệ 65-94% đối tượng khảo sát); hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn), hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, cần xem xét quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn để giải quyết bài toán nhà ở
Cần hạ “định mức” diện tích tách thửa
Nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân sống tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) “mách nước” rằng, đối với các quận nội thành, không nên tiếp tục cho phép “khoét lõm” xây dựng chung cư mini. Việc xây dựng lại chung cư cũ và chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch cần kết hợp với chỉnh trang khu vực lân cận.
Ông Châu cho rằng, việc chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ cần phát triển dự án theo khu phố, khối phố, ô phố. Trong đó, việc thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ là ưu tiên số 1, hoặc tái định cư trong địa bàn của quận, tránh việc tái định cư người dân ra khỏi địa bàn sinh sống, làm ăn quen thuộc.
Riêng đối với các quận ven và huyện thành, nên hạn chế việc phát triển các dự án nhỏ, trừ một số khu vực đặc thù. Quản lý chặt chẽ hoạt động tách thửa và xử lý nghiêm hoạt động phân lô bán nền trái phép dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, đầu cơ tạo các cơn sốt ảo giá đất, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.
Ông Châu cũng đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Đồng thời, cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp “sổ đỏ” cho “căn nhà nhỏ” của người có thu nhập thấp, người nghèo, kể cả cần xem xét giải quyết có lý có tình đối với trường hợp nhà “3 chung”.
“Nhà nước giữ vai trò kiến tạo môi trường kinh doanh thông qua hoạt động xây dựng thể chế hành chính và cơ chế chính sách. Doanh nghiệp kỳ vọng Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng để phát triển kinh tế, phát triển thị trường bất động sản và nhà ở”, ông Châu nói.
Theo Dân Trí