Ham cái 'bánh vẽ': Đại gia Hà thành ôm hận ở Đà Nẵng
Nhiều chủ đầu tư, đặc biệt là các đại gia Hà Nội, từng xem dự án đất nền tại Đà Nẵng là “con gà đẻ trứng vàng”. Thế nhưng, giờ không ít người đang ôm hận vì trót ôm đất nền tại những dự án “bánh vẽ” của các "ông lớn".
"Chết tiền" vì dự án “bánh vẽ”
Hàng loạt dự án đất nền “bánh vẽ” tại khu vực cầu Thuận Phước bỏ hoang từ nhiều năm nay, trở thành những khu đô thị “ma” không người ở.
Ngay tại dự án Khu phức hợp đô thị thương mại dịch vụ, do Thành Đạt làm chủ đầu tư, là khu đất rộng mênh mông bỏ hoang.
Dự án của một "ông lớn" cũng nằm bên chân cầu Thuận Phước. Cách đây nhiều năm, dự án “bánh vẽ” này được đầu tư 1.600 tỷ đồng, quy mô 1.311 lô đất nền, 283 căn biệt thự cùng bốn khu nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp và hoàn thành trong thời gian hai năm kể từ ngày khởi công.
Khu phức hợp đô thị thương mại dịch vụ do Thành Đạt làm chủ đầu tư bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Khởi công xong, chủ đầu tư công khai mở bán từ 400-500 triệu đồng/lô đất nền,... Rồi sau đó, dự án không triển khai, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm của người mua đất.
Ở Đà Nẵng hiện có rất nhiều dự án bị bỏ hoang như thế sau khi khởi công. Người mua đất nền quá ảo tưởng vào thị trường bất động sản nơi đây nên “mắc bẫy” giới đầu tư và lệ thuộc vào người mua đến từ Hà Nội.
Anh Lê Đức Linh - một người dân ở Duy Xuyên, Quảng Nam - kể, cách đây hơn 2 tháng, nhờ được đền bù đất của một dự án ở Khu đô thị Nam Hội An, anh có hơn 4 tỷ đồng. Có số tiền lớn trong tay, anh quyết định ra Đà Nẵng xuống tiền mua 2 lô đất tại một khu đô thị sinh thái ở Đà Nẵng với giá hơn 4 tỷ đồng.
Khi mua xong có người đến hỏi mua lại với giá 4,5 tỷ đồng, tưởng đất đang lên anh không bán. Nhưng cách đây 1 tuần thấy giá đất hạ, anh rao bán lại, nhưng người mua sau khi xem đất chỉ trả giá 3,5 tỷ đồng.
Trường hợp như anh Linh không hiếm. Đã có người chấp nhận bán lỗ để trả nợ ngân hàng. Chuyện lỗ xem như học phí phải trả cho bài học kinh doanh của mình.
Dự án The Summit được vẽ ra là khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng xây xong thô đã bất động, cỏ mọc nham nhở, tường gạch rêu phủ, hôi hám
Chết vì đầu cơ, thổi giá
Đầu năm 2017, phụ trách truyền thông một “ông lớn” đang đầu tư dự án tỷ đô tại Đà Nẵng, khẳng định, dự án của công ty đang triển khai có đến hơn 80% nhà đầu tư là người Hà Nội.
“Trước khi quyết định đầu tư tỷ đô vào dự án, ông chủ đã hướng đến đối tượng khách hàng chính là người Thủ đô vì mức độ “chịu chơi” của các đại gia Hà thành. Vì thế, mọi hoạt động liên quan đến dự án như giới thiệu, chào bán đều tổ chức tại Hà Nội, dù dự án này được triển khai tại Đà Nẵng”, anh này nói.
Tháng 4/2016, tại buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ: 70-75% khách hàng của dự án The Point - Khu biệt thự sân golf thuộc Danang Beach Resort giai đoạn 2 - là người Hà Nội, 5% khách hàng là người nước ngoài, còn lại là khách hàng ở các tỉnh thành khác.
Ông Matthew Powell cho biết, kể từ lần mở bán các dự án đầu tiên vào năm 2009, người Hà Nội luôn là khách hàng chủ yếu của Savills.
Xu hướng người Hà Nội “đổ tiền” vào thị trường bất động sản Đà Nẵng khiến nhều chủ đầu tư và nhà phân phối tập trung “mũi nhọn” vào những khách đến từ Thủ đô.
Bằng chứng là hàng loạt các dự án được chủ đầu tư mang ra chào bán tại Hà Nội, rất ít dự án chào bán tại Sài Gòn hay Đà Nẵng - nơi dự án đang triển khai.
Đà Nẵng tràn lan những dự án BĐS bỏ hoang, không một bóng người.
Tổng giám đốc một sàn giao dịch lớn tại Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên), cho hay, từ đầu năm 2016, tỉ lệ người Hà Nội quay lại các dự án bất động sản chiếm hơn 60% tổng số giao dịch của công ty và đang có xu hướng tăng dần trong những tháng đầu năm 2017.
Trong khi đó, năm 2015, tỷ lệ mua của người Hà Nội qua sàn giao dịch này là 50%, 2014 chỉ chiếm khoảng 30%. “Có thể do hiệu ứng pháo hoa và APEC nên từ đầu năm 2017, khách hàng đến từ Hà Nội ngày càng nhiều. Thậm chí, có những ngày chúng tôi chỉ tiếp khách đến từ Hà Nội”.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, với cơ cấu khách hàng như vậy, thị trường bất động sản Đà Nẵng rất có khả năng lại đổ vỡ.
Cách đây hơn 5 năm, CBRE từng thông tin 80% số người mua đất nền ở Đà Nẵng là đến từ Hà Nội hoặc khu vực phía Bắc. Khi đó, ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành công ty, dự báo, ngay sau khi tăng trưởng nóng, thị trườngnhà đất Đà Nẵng sẽ trở về với hiện trạng thực của nó, sau đó rơi vào khủng hoảng như trì trệ, vắng bóng nhà đầu tư, giá nhà đất tụt dốc không phanh,...
Do đó, nếu các nhà đầu tư vẫn mải mê với BĐS Đà Nẵng mà không tỉnh táo, dễ rơi vào “ma trận” đầu cơ, thổi giá của giới đầu cơ thì khả năng “ôm hận” vì đất là điều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Theo Vietnamnet