Hàng loạt "ông lớn" địa ốc Hưng Thịnh, Ecopark, Him Lam, T&T Group...bất ngờ đổ bộ vào thành phố này đầu tư dự án

07/07/2020 - 16:18
|

Thành phố này bất ngờ thu hút nhiều nhà phát triển BĐS lớn, đến nay có khoảng 20 chủ đầu tư có tiếng trên thị trường địa ốc đã xuất hiện ở vùng đất này như TTC, Hưng Thinh, T&T Group, Him Lam, Ecopark …

Vốn là vùng đất mới của thị trường BĐS phía Nam, thời gian gần đây, Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang được giới đầu tư địa ốc quan tâm khi loạt "động thái mới" về với thị trường nơi đây.

Thông tin thành phố Bảo Lộc sẽ quy hoạch mở rộng ra các vùng phụ cận, trong đó có xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm để đẩy mạnh phát triển toàn diện, hoàn thiện mục tiêu trở thành đô thị loại II và hướng đến tầm nhìn trở thành đô thị loại I đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư (NĐT) BĐS đến với thị trường này.

Theo các chuyên gia, với diện mạo đô thị hiện đại như hiện nay, đây chắc chắn là điểm sáng để thu hút dòng tiền của NĐT đến với Bảo Lộc. Động thái loạt ông lớn địa ốc Tp.HCM đổ về thị trường này đầu tư các dự án quy mô hàng ngàn héc-ta là minh chứng rõ nét cho sức hút này.

Tính đến đầu năm 2020, thành phố Bảo Lộc đã thu hút hơn 20 nhà đầu tư lớn, trong đó có những cái tên lớn như TTC, Hưng Thinh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú … đổ về đây đầu tư dự án.

Mới đây nhất, Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest đang muốn đầu tư vào 3 dự án trọng điểm tại Bảo Lộc. Cụ thể, Dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát; quy hoạch xây dựng Khu phố Shop House đi bộ dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.

Nhiều ông lớn cùng lúc đổ bộ khiến thị trường BĐS nơi đây được kì vọng dậy sóng trong thời gian tới

Trước đó, TP Bảo Lộc đã có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Him Lam về các vấn đề liên quan đến thu hút và xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.

Đại diện Him Lam cho biết đang nghiên cứu xúc tiến đầu tư vào một số dự án tại Bảo Lộc. Cụ thế, doanh nghiệp này đang hướng tới các dự án khu dân cư phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc – Nam. Đặc biệt, Công ty CP Him Lam đang hướng tới nghiên cứu đầu tư xây dựng Dự án khu đô thị du lịch "Thiên đường mắc ca" có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía Nam TP Bảo Lộc thuộc các phường B’Lao, Lộc Sơn, Lộc Nga và xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm).

Một ông lớn BĐS khác là Tập đoàn Ecopark cũng đang tìm hiểu đầu tư các dự án trọng điểm tại TP Bảo Lộc. Đại diện tập đoàn này đánh giá cao những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng cho Bảo Lộc, cũng như ý tưởng quy hoạch xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố sinh thái, dịch vụ trong thời gian tới của lãnh đạo địa phương.

Theo đó, Tập đoàn này hướng đến 2 dự án đầu tư tại địa phương này án là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.

Ngoài ra, những dự án trọng điểm trên địa bàn đang có nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Hưng Thịnh, Him Lam, TTC… tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư vào các lĩnh vực du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng và những dịch vụ đi kèm khác, đã và đang làm thay đổi diện mạo của thị trường BĐS nơi đây.

Theo đại diện lãnh đạo Tp.Bảo Lộc, hiện TP đang có 48 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư để xây dựng thành phố sinh thái và dịch vụ, nghỉ dưỡng. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm đang được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, tìm hiểu như: Dự án sân bay Lộc Phát với quy mô 50 ha đến 100 ha, hình thành sân bay cấp 3C; Dự án Tổ hợp khu thương mại - khách sạn 5 sao (tại chợ cũ Bảo Lộc); Sân golf Lộc Phát - Lộc Thắng; Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung, quy mô hơn 2.500 ha và Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2 (quy mô khoảng 390 ha, tại Phường 1 và phường Lộc Phát).

Không phải ngẫu nhiên các NĐT lớn từ các địa phương cùng lúc đổ về đây để tìm kiếm cơ hội. Theo đánh giá của các NĐT, vùng đất mới đang phát triển như Bảo Lộc, tiềm năng sinh lợi BĐS là rất lớn nên việc chờ đón sóng thị trường là điều dễ hiểu. Động thái của loạt ông lớn BĐS chứng minh cho dư địa phát triển tại thị trường BĐS này còn rất lớn.

Vốn là thủ phủ ngành chè và tơ lụa của cả nước, Bảo Lộc là 1 trong 2 thành phố lớn của tỉnh Lâm Đồng. Phát huy hiệu quả những lợi thế của vùng đất cao nguyên, Bảo Lộc ngày càng có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Trong đó, cơ sở hạ tầng với hệ thống trung tâm thương mại, khu đô thị, khách sạn… ngày càng nhiều và hiện đại. Đây được xem là điểm sáng thu hút dòng tiền của giới đầu tư. Từ đó góp phần thay đổi diện mạo đô thị, kích thích tăng trưởng kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng.

Song song đó, cơ sở hạ tầng đồng bộ của khu vực được xem là lực hút đối với NĐT về với thị trường này. Nằm trọn trên cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc có 2 trục quốc lộ chạy qua là 20 và 55, kết nối thành phố với Tp.HCM và Phan Thiết với thời gian di chuyển lần lượt hơn 3 giờ và hơn 2 giờ. Trong 3 năm qua, thành phố cũng đã hoàn thiện 15 tuyến đường nội thị với chiều dài 32,7 km, nâng mật độ đường chính đô thị lên 9,8 km/km2 và đạt tiêu chuẩn của đô thị loại II.

Ngoài ra, Bảo Lộc cũng sở hữu vai trò kết nối chiến lược khi án ngữ vị trí giao thoa của 3 vùng kinh tế quan trọng: Đông Nam Bộ - Tây Nguyên – Duyên hải Nam Trung Bộ. Hiện nay, UBND Bảo Lộc đã có những định hướng phát triển thành phố toàn diện, đặc biệt là cơ sở hạ tầng để thu hút ngày càng đông đảo các nhà đầu tư lớn về nơi đây hội ngộ.

Ghi nhận cho thấy, chính định hướng của địa phương trong tầm nhìn phát triển dài hạn đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại thị trường này. Theo đó, những doanh nghiệp có tầm nhìn thường sẽ tìm kiếm cơ hội khi thị trường còn mới mẻ. Động thái của loạt ông lớn BĐS đổ về thị trường nơi đây chắc chắn sẽ tạo ra loạt dự án quy mô, bài bản hình thành trong tương lai gần. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu về BĐS, cơ hội cho NĐT cá nhân khai thác tiềm năng tăng giá, biên lợi nhuận là rất rộng lớn.

Theo Nhịp sống kinh tế