Khi công nghệ đóng vai trò “bà mối” cho người mua nhà

27/08/2019 - 13:33
|

Thay vì phải đi trực tiếp khảo sát, chỉ cần gõ tên đường hay dự án quan tâm vào những phần mềm trực tuyến trên Laptop hoặc Smartphone, người dùng có thể định giá bất động sản khu vực đó, với sai số chỉ vài phần trăm. Sự phát triển của những “bà mối” công nghệ đã biến những điều không thể thành có thể trong việc mua/bán nhà.

Ảnh Shutterstock

1. Thực tế, không phải đến bây giờ nhu cầu hình thành các phần mềm hỗ trợ người dân trong việc định giá để ra các quyết định mua/bán chính xác, tốn ít công sức và tiền bạc nhất mới có, mà đã xuất phát từ cách đây cả chục năm.

“Một thửa đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị có chi phí là bao nhiêu?”, “Giá đất từng tuyến đường được Nhà nước quy định như thế nào?”, “Đất nông nghiệp, đất đô thị tại từng khu vực khác nhau có giá ra sao…?”, “Vậy lô đất này được định giá bao nhiêu nếu để bán hoặc mua?”…, là những câu hỏi sát sườn mà hầu hết những ai đã từng trải qua việc mua/bán nhà đã từng nghĩ tới.

Do quá trình tìm hiểu thông tin mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng đôi khi người dân vẫn không có được nguồn thông tin chính thống, dẫn đến việc giao dịch mua/bán nhà thường theo cảm tính. Chưa kể đến các bất động sản có các đặc tính kỹ thuật, xây dựng, kiến trúc phức tạp và rất khác nhau.

Trong khi đó, giá cả của bất động sản phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố này. Điều này, có thể gây thiệt hại cho các cá nhân tham gia thị trường bất động sản, nếu các quyết định của họ thiếu thông tin, không phản ánh đúng giá trị bất động sản.

Có những ngôi nhà do 2 công ty thẩm định giá uy tín hay 2 ngân hàng thẩm định có thể cho ra kết quả sai lệch đến 30 - 50%. Việc sai lệch 10%, 20% là chuyện rất bình thường. Đó là chưa nhắc tới việc đôi khi việc định giá đất sai lệch còn do chủ ý của những “cò mồi” trung gian. Đối với những người "tay ngang" và không có mối quan hệ, giá trị bất động sản dường như là "mê cung".

Do không biết được giá giao dịch thực tế nên buộc lòng người thẩm định giá thường phải dùng giá rao bán trung bình để điều chỉnh và từ đó xác định kết quả định giá. Những người không cần bán gấp có thể đưa giá rất cao vượt xa giá trị thực. Người đang cần bán gấp có thể rao giá thấp chấp nhận bán rẻ vài chục phần trăm.

Trong thời gian gần đây, quá trình định giá đất đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Nhờ vào cuộc cách mạng 4.0 với sự xuất hiện của IoT, của Big Data và AI, thay vì lưu trữ offline, rất nhiều trung tâm lưu trữ các giao dịch thực tế của bất động sản đã xuất hiện.

Thông qua nguồn dữ liệu lưu trữ ở các website rao vặt, các đơn vị nghiên cứu, giám sát thị trường cũng như từ đơn vị tư vấn, môi giới và ngân hàng, thông qua các phần mềm được lập trình để lọc và xử lý dữ liệu, chỉ cần gõ tên đường hay dự án quan tâm vào website, người dùng chỉ cần gõ tên đường hay dự án quan tâm, kết quả sẽ trả về một định giá tương ứng để tham khảo.

Đây còn là nơi người dùng có thể theo dõi sự lên xuống của thị trường bất động sản, có được bức tranh tổng thể về những khu vực và dự án quan tâm nhằm làm cơ sở tham khảo để đưa ra các quyết định mua bán.

Không những vậy, các phần mềm này có tốc độ xử lý nhanh chóng hơn với lượng dữ liệu xử lý nhiều hơn con người.

Ghi nhận thực tế, ngoài các thông tin giá cả giao dịch, một số phần mềm hiện nay có thêm cả dữ liệu tính toán các yếu tố anh hưởng. Chẳng hạn, tính được tỷ lệ phần trăm của việc con đường xung quanh đó có gần chợ cóc, gần bệnh viện hoặc gần một trung tâm siêu thị tác động như thế nào tới giá cả bất động sản.

Ngoài ra, một số phần mềm hiện nay cũng đã áp dụng chức năng bản đồ vào định giá. Ngoài việc định vị được vị trí chính xác của bất động sản mình muốn xem, người dùng còn có thể xem được cơ sở hạ tầng, tiện ích xung quanh bất động sản theo các mức bán kính khác nhau.

Đây là những thông tin vô cùng giá trị và hữu dụng cho những ai đang tìm kiếm bất động sản để mua, thuê và ở. Các tiện ích này bao gồm block, số lô, hiển thị trục đường, giai đoạn, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, địa điểm hạ tầng... Không chỉ xem được vị trí tương đối của các tiện ích này, người dùng còn được tiếp cận với những thông tin chi tiết về số lô, diện tích, hướng cụ thể nhất.

2. Rõ ràng với việc ứng dụng công nghệ vào bán bất động sản thì giao dịch có thể diễn ra nhanh hơn rất nhiều. Sản phẩm được phản ánh gần như chính xác từ xa, giúp người mua nhà tiết kiệm chi phí quảng cáo, nguồn nhân lực, khách hàng nhanh chóng đưa ra quyết định mà không cần thông qua phương pháp thủ công truyền thống như trước đến nay.

Ứng dụng công nghệ vào bán bất động sản mang lại một phương thức giao dịch mới, một trải nghiệm mới về mua bán bất động sản không chỉ với nhà đầu tư, nhà môi giới, mà còn với đối tượng người có nhu cầu mua bán, giao dịch bất động sản thông thường.

Ở đó, người mua và người bán có thể tìm kiếm tất cả các thông tin liên quan như vị trí, giá cả, định giá tài sản dễ dàng với sự hỗ trợ của hàng chục thể chế tài chính. Điều này hoàn toàn khác biệt với phương thức bán hàng truyền thống trước đây.

Nhiều trang web giao dịch bất động sản cũng đã công bố những cái bắt tay với các đơn vị cung cấp ví điện tử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đóng và thu các khoản phí. Tuy nhiên, các thương vụ tích hợp này sẽ mất khá nhiều thời gian do Việt Nam vẫn là quốc gia giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt và thẻ tín dụng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.

Dẫu vậy, điều này có thể thay đổi trong tương lai nhờ vào tỷ lệ dân số trẻ và am hiểu công nghệ đang ngày một gia tăng.

Theo Báo Đầu tư Bất động sản