Khốn khổ vì mua đất nền... mập mờ pháp lý

16/06/2017 - 05:37
|

Bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua 3 lô đất tại quận 9 - TPHCM nhưng khi "tiền đã trao" mà pháp lý dự án vẫn chưa được cung cấp đầy đủ, khách hàng đòi lại tiền thì công ty bất động sản nói "đã đem tiền đầu tư dự án khác".

Rao đất nền... mập mờ

Thời gian qua, tình trạng tách thửa biến tướng xảy ra ngày càng nhiều tại TPHCM. Không ít trường hợp nhà đầu tư phải "khóc ròng" vì quá tin vào các công ty môi giới, dẫn đến "tiền mất, tật mang". Mặc dù đã có "bảo bối" là Quyết định 33/2014 của UBND TPHCM siết chặt phân lô bán nền nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Ông Trần Trung Hậu, trú tại xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, Đồng Nai đã gửi đơn khiếu nại Công ty Cổ phần Bất động sản Đất Việt (P.Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TPHCM). Nội dung trong đơn, ông Hậu cho biết, ngày 9/4, ông có đặt cọc mua ba lô đất ở phường Long Thành Mỹ, Quận 9 do công ty Đất Việt bán với tổng số tiền là 150 triệu đồng. Đến ngày 12/5, ông Hậu đã thanh toán cả 3 lô trên với số tiền 1,9 tỷ đồng.


Thời gian qua, tình trạng tách thửa biến tướng xảy ra ngày càng nhiều tại TPHCM

Trong quá trình mua bán, thấy pháp lý của 3 lô đất trên không rõ ràng nên ông Hậu đã gặp lãnh đạo công ty để giải quyết. Phía công ty Đất Việt đề nghị ông Hậu phải tiếp tục mua một lô đất thuộc dự án Hoàng Hữu Nam thì mới hoàn lại số tiền đã thanh toán trước đó cho hai lô đất còn lại. Thế nhưng, đến ngày 9/6, ông Hậu nhận điện thoại do phía công ty gọi buộc phải mua một trong 3 lô đất và mất cọc của 2 lô còn lại (mỗi lô 50 triệu đồng).

"Lãnh đạo công ty nói số tiền 1,9 tỷ đồng mà tôi đóng đã được đem đi đầu tư cho dự án khác nên không thể hoàn trả lại cho tôi. Công ty này đã cố tình chiếm dụng vốn của tôi trong thời gian dài. Không công khai hoặc thông tin rõ ràng đầy đủ trung thực về bất động sản và có hành vi lách luật, phân lô đất nền không đúng qui định...", ông Hậu bức xúc tố cáo.

Không chỉ các doanh nghiệp tạo "bánh vẽ" để nhà đầu tư "xuống tiền", chính những chủ đất cũng lách các quy định để phân lô, tách thửa. Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, theo quy định mới, với những lô đất có diện tích từ 2.000 m2 phải lập dự án. Thế nhưng, chủ đất lách luật rất hay bằng cách có 5.000 m2 thì chỉ chuyển mục đích tách thửa 1.999 m2 thôi. Tiếp đó lại xin chuyển thêm một phần như vậy mà không phải tốn tiền của để lập dự án, đầu tư hạ tầng.

Tọa đàm “Ngăn chặn tách thửa biến tướng" diễn ra tại TPHCM sáng 14/6

Không duyệt tách thửa kiểu dễ dãi

Tại tọa đàm “Ngăn chặn tách thửa biến tướng" diễn ra tại TPHCM sáng 14/6, ông Thái Bỉnh Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hóc Môn cũng thừa nhận tình trạng phân lô tách thửa diễn ra tương đối phổ biến tại địa bàn. Nguyên nhân là do có nhiều cách hiểu từ Quyết định 33/2014 khiến không ít đối lượng tìm ra khe hở để trục lợi.

"Tại Hóc Môn, tình trạng tách thửa theo Quyết định 33 tương đối nhiều. Huyện đã có giao cho thanh tra thành lập tổ công tác kiểm tra lại tất cả các khu này. Do đang kiểm tra nên chưa có thông tin chính thức", ông Nghĩa nói.

Để tránh tình trạng tách thửa biến tướng, ông Nghĩa cho rằng, phải kiểm soát quy hoạch, kết nối hạ tầng cấp thoát nước, cây xanh, vỉa hè, các công trình xã hội liên quan. Kiểm soát tốt diện tích tối thiểu tách thửa.

"Người dân để tránh rủi ro về pháp lý, khi Quyết định 33 sửa đổi được ban hành, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu, nắm rõ thông tin quy hoạch, pháp lý sử dụng đất...", ông Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hóc Môn đề nghị.

Ông Trương Công Nam, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng TPHCM (Ảnh: H.Giang)

Ông Trương Công Nam, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, thực trạng hạ tầng kết nối ở những khu phân lô theo Quyết định 33 rất quan trọng, thế nhưng một số khu đã tách thửa nhưng chưa kết nối với hạ tầng chung.

"Sẽ gia tăng dân số và nếu quy hoạch không khéo thì mai mốt không đảm bảo đồ án quy hoạch đã được duyệt. Khi đó, hạ tầng xã hội, trường học, bệnh viện sẽ không đáp ứng nhu cầu. Nếu một loạt các khu phân lô theo Quyết định 33 nằm kế nhau sẽ là áp lực cho địa phương. Ai sẽ bỏ tiền ra làm chuyện này. Tất nhiên, Nhà nước phải làm trong khi nhà đầu tư bán xong, hưởng lợi", ông Nam nói.

"Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế. Phải tổ chức nghiệm thu làm sao để cơ quan duyệt thiết kế xong, khi đầu tư xong đường, thoát nước, điện thì nghiệm thu toàn diện, nghiêm túc chặt chẽ thì mới tiếp tục giải quyết cho tách thửa", ông Nam nói.

Theo Dân Trí