Kỳ cuối: Những "đường băng" cho ĐBSCL cất cánh

17/07/2020 - 00:11
|

ĐBSCL được Chính phủ xác định là vùng kinh tế trọng điểm, có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Theo đó, phát triển hạ tầng giao thông (GT) được xác định là một trong 3 khâu đột phá của vùng, đã và đang được đầu tư thời gian qua với nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhằm “cởi trói” cho vùng này phát triển xứng tầm.

Cầu Mỹ Thuận 2 sắp được khởi công là cơ hội rất lớn cho lưu thông, phát triển kinh tế ĐBSCL. (Ảnh tư liệu do Bộ GT-Vận tải cung cấp)

Đường lớn đã mở

Thông qua Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, những năm gần đây càng nhận định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của ĐBSCL trong đóng góp vào phát triển chung cả nước.

Theo đó, nhìn thấy rõ điểm yếu “cốt tử” khu vực này, Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng GT tạo kết nối.

Và đến nay, cơ bản hình thành mạng lưới GT đường bộ theo trục dọc, ngang; hệ thống đường vành đai liên kết với nhau, nhằm gỡ điểm nghẽn lưu thông và tạo cú hích lớn cho khu vực.

Cụ thể, khu vực này đã, đang và sắp hưởng lợi khoảng 9 công trình GT liên vùng kết nối TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.

Có thể kể đến đường vành đai 3, 4; cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ- Cà Mau, QL60, N2 và 4 công trình kết nối trục ngang ĐBSCL với Campuchia, gồm: QL62, 30, 91 và QL80. Đây là những công trình GT được Chính phủ xác định cần ưu tiên thực hiện đồng bộ giai đoạn 2020- 2030.

Ông Lê Đỗ Mười- Viện Chiến lược phát triển GT- Vận tải (Bộ GT- Vận tải), cho biết giai đoạn 2021- 2025 sẽ tập trung cho 32 công trình trọng điểm với nguồn vốn 95.000 tỷ đồng cho vùng này.

Bên cạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016- 2020 đầu tư 14 dự án GT quan trọng, cấp bách, trong đó có tới 4 dự án thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh- Long Toàn (800 tỷ đồng); dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh- Hồng Ngự (800 tỷ đồng); dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản lộ Phụng Hiệp (900 tỷ đồng) và dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre- 875 tỷ đồng).

Trong nhiều dự án đã và sắp khởi công, thì có lẽ cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được người dân ĐBSCL mong chờ nhất. Bởi đây sẽ là điểm gỡ nút thắt quan trọng kết nối các đường trục chính, kỳ vọng đưa vùng đất “chín rồng” cất cánh.

“Đả thông” nguồn vốn

Việc xây dựng đường cao tốc “liên hoàn” sẽ rút ngắn khoảng 50% thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về ĐBSCL. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có nguồn vốn, nhất là cơ chế chính sách riêng để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách tham gia phát triển.

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Quốc hội và Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng các quy hoạch liên quan đến ngành GT vận tải đã phê duyệt trong giai đoạn trước đây để triển khai công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và đề xuất các dự án đầu tư của ngành GT vận tải.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần xác định tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh, thành phố với ngân sách Trung ương, tạo nguồn lực cho các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; trong đó có GT.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh- Nguyễn Thiện Nhân đề xuất tăng vốn xã hội hóa cho phát triển hạ tầng GT vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Nếu phát hành trái phiếu để dành riêng cho phát triển hạ tầng GT với quy mô khoảng 2% GDP thì sẽ có thêm khoảng 100 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 4,5 tỷ USD).

Phần trái phiếu Chính phủ này chỉ phát hành cho người mua trong nước, không phát hành cho người nước ngoài, do đó không làm tăng nợ nước ngoài.

Khi đã có vốn, cần tập trung đầu tư vào các công trình có tác dụng kết nối, tăng hiệu quả đầu tư.

Bí thư Thành ủy- Nguyễn Thiện Nhân còn đề xuất, cần sử dụng một phần ngân sách TP Hồ Chí Minh nộp về Trung ương để đầu tư cho phát triển GT vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

“Hàng năm TP Hồ Chí Minh nộp 80% tổng thu ngân sách về Trung ương. Tôi đề nghị nâng tổng đầu tư của cả nước lên khoảng 35% trong 10 năm (2020- 2030), trên cơ sở vừa tăng mức đầu tư từ ngân sách và gia tăng xã hội hóa đầu tư”.

Trước đây, nhiều chuyên gia đã ví “hạ tầng GT của ĐBSCL như một cô gái xuân thì nhưng diện mạo hơi nhà quê”, thì đến nay đã có nhiều thay đổi. Một đại công trình “thế kỷ” đang mở ra là quyết tâm rất cao của Chính phủ trong nhiệm kỳ này để khơi thông tuyến vận tải hàng hóa rất quan trọng.

Điều này được chứng minh rõ nét trong đợt dịch COVID- 19 vừa qua, khi nhiều ngành, lĩnh vực buộc cắt giảm chi tiêu thì lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong đó có nhiều công trình trọng điểm quốc gia ở ĐBSCL được thúc giục giải ngân vốn và khởi công.

Đặc biệt, trong một số dự án cao tốc Bắc- Nam chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, có tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Cho thấy, quyết tâm Chính Phủ trong đẩy nhanh tiến độ, giải quyết vấn để bức bách về GT vùng, đồng thời kích cầu nền kinh tế “hậu” dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ĐBSCL có vai trò rất quan trọng. Nếu tính cả TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, quy mô GDP sẽ chiếm tới hơn 60% GDP cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một trong những “điểm nghẽn” hiện nay chính là vấn đề hạ tầng GT và khả năng kết nối liên vùng. Do đó, nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới là đầu tư cho cơ sở hạ tầng của vùng nhiều hơn nữa. Không chỉ đường bộ, mà còn hàng hải, đường sắt, hàng không cũng sẽ được đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cam kết bố trí đủ vốn, yêu cầu các chủ đầu, các địa phương có dự án đi qua phải nghiêm túc thực hiện.

Quyết tâm của Chính phủ là tạo hạ tầng GT của ĐBSCL kết nối trong giao thương, thuận lợi trong đi lại, đáp ứng tốt nhu cầu- như Thủ tướng từng xác định  cho khu vực này vừa qua.


Xem lại kỳ trước:

Theo Báo Vĩnh Long