Làn sóng trả mặt bằng kinh doanh tăng bất chấp giá thuê giảm
Nhiều mặt bằng đắc địa từng được săn đón đang phải trầy trật tìm khách thuê, hoạt động kinh doanh khó khăn khiến làn sóng trả nhà sau dịch Covid-19 tăng mạnh.
Kinh doanh cửa hàng thời trang trên đường trung tâm quận 1 hơn 2 năm nay, tuy không quá khấm khá nhưng làm ăn ổn định và đều đặn có lời, chị Ngọc Mai không ngờ có ngày mình buộc phải trả lại mặt bằng thuê vì ế ẩm. Mặt bằng này có giá thuê 75 triệu/tháng, rộng rãi, vị trí đẹp, lại là khu vực giao thương tốt, được nhiều khách thuê tranh giành. Nhưng nay rất nhiều cửa hàng ở khu vực này phải đóng cửa, trả mặt bằng do tình hình kinh tế khó khăn. “Chủ nhà đã rất linh hoạt giảm 30% giá thuê trong tháng qua, nhưng vì lượng khách ngày càng ít, khó khăn tài chính không thể cầm cự thêm, mình đành phải trả mặt bằng và tìm hướng đi mới”, chị Mai tâm sự.
Cũng cùng tình trạng khó khăn trong kinh doanh, anh Đoàn Quyết Thắng ( Phú Trung, Tân Phú) còn mệt mỏi hơn do đã đổ hàng trăm triệu vào tu sửa mặt bằng nhưng giờ khai trương lại không có khách. Thời điểm trước Tết anh thuê lại một mặt bằng rộng trên đường Âu Cơ mở quán ăn Thái. Để phù hợp với chủ đề quán, anh Thắng bỏ ra gần 200 triệu thiết kế lại toàn bộ quán, cộng thêm giá thuê gần 80 triệu/tháng. Tình hình dịch bệnh phát sinh làm đảo lộn mọi dự tính, quán khai trương rơi vào ế ẩm do ít khách. Hoạt động cầm cự được gần 3 tháng nay anh Thắng lo lắng khó có thể kéo dài khi chi phí thuê, nhân công, điện nước đang ngày càng vượt quá dự kiến của anh.
Nhiều khách thuê trả mặt bằng dù chủ nhà sẵn sàng giảm giá. Ảnh: Phương Uyên
Không chỉ các hộ kinh doanh lớn, nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê quy mô nhỏ cũng dần kiệt quệ khi khách thuê trả mặt bằng dù được giảm giá. Anh Trần Thiện Ái, một hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê tiệc cưới nhỏ trên khu vực quận Bình Thạnh cho biết, dù mặt bằng anh thuê chỉ 12 triệu/tháng nhưng liên tục trong gần 3-4 tháng nay hầu như không có khách thuê. Chỉ là một hộ kinh doanh nhỏ nên việc cầm cự mặt bằng 12 triệu/tháng là quá sức với anh. Chủ nhà đã thiện chí giảm gần 50% giá thuê trong tháng 4 nhưng qua tháng 5 thì chỉ giảm tối đa 30%.
“Có giảm bao nhiêu nhưng với tình trạng không có khách hàng như hiện nay, lựa chọn tốt nhất của tôi lúc này là trả mặt bằng. Đến khi tình hình tốt hơn, nếu chủ nhà còn mặt bằng trống thì tôi thuê lại, không thì sẽ tìm mặt bằng khác chứ không thể vì muốn giữ chỗ thuê mà tiêu tốn quá nhiều tiền trong khi không có nguồn thu nào”, anh Ái chia sẻ.
Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, rất nhiều mặt bằng kinh doanh ở các tuyến đường lớn, quận trung tâm TP.HCM cũng như các shophouse ở các khu chung cư đang trong tình trạng cửa đóng then cài. Bảng hiệu cho thuê xuất hiện dày đặc. Nhiều quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, cửa hàng thời trang… đua nhau trả mặt bằng sau những ngày giãn cách xã hội vì không cầm cự nổi. Hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê hiện nay không còn hét giá như trước mà chủ động giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái, ít ràng buộc về thời hạn thuê hay điều kiện thanh toán. Mặc dù vậy việc tìm được khách thuê cũng không dễ bởi chưa biết khi nào dịch bệnh mới thực sự kết thúc, kinh tế vận hành bình thường trở lại.
Kinh doanh khó khăn là nguyên nhân chính khiến khách thuê buộc
phải trả lại mặt bằng. Ảnh: Phương Uyên
Dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn cho thấy, riêng trong quý 1/2020, 63% các tuyến phố ở TP.HCM giảm giá thuê nhà riêng, nhà mặt phố. Nhu cầu tìm thuê giảm đến 33%, giá chào thuê trung bình toàn thị trường giảm xuống gần 11%. Không chỉ quận 1 mà ngay cả các quận giáp ranh như Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 2, quận 4, giá thuê nhà mặt phố cũng giảm từ 20-30% so với quý trước. Riêng ở các tuyến đường chính quận 1, quận 3, quận 10 nhiều nơi giá thuê giảm gần 30-50%.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diễm, hiện đang cho thuê 2 mặt tiền kinh doanh quán cà phê và salon làm đẹp ở khu vực quận 3 (TP.HCM) cho biết, trước đây cho thuê 2 căn nhà, bà thu về gần 130 triệu/tháng. Đầu tháng 5 khách thông báo trả lại mặt bằng, dù trước đó bà đã giảm giá thuê xuống 30% nhưng vẫn không giữ chân được người thuê.
Theo hợp đồng thì bà hoàn toàn có quyền giữ lại số tiền cọc trước đó do người thuê đơn phương hủy nhưng do hiểu tình hình khó khăn, bà không làm khó khách thuê. “ Mình thì xem như giảm thu nhập còn người thuê họ cũng hết đường mới phải chọn cách đóng cửa, tình hình ngày càng khó khăn, gần như trên tuyến đường này chỉ còn các cửa hàng kinh doanh lớn hay các thương hiệu mạnh vẫn trụ được, nhiều hộ kinh doanh nhỏ đang trả mặt bằng do không biết tình hình còn kéo dài bao lâu”, bà Diễm nói.
Một khảo sát gần đây của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, 79% khách thuê lo lắng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ xấu hơn; 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10-30% trong năm 2020. Bên cạnh đó, 61% khách thuê chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh của họ đang bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này dẫn tới tình trạng trả mặt bằng kinh doanh nhà phố sẽ diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì dài hạn.
Theo Phương Uyên/Bất Động Sản